Quy trình xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC

PV.

Phương pháp xử lý nợ gắn với  tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) là một giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và đã được Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện từ nhiều năm nay, mang lại những kết quả thiết thực, giải cứu doanh nghiệp bên bờ phá sản.

Thời gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinalines
Thời gian qua, DATC đã rất tích cực tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Vinalines

So với các biện pháp xử lý nợ khác hiện đang áp dụng như mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, bán nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý tài sản, khoanh chờ xử lý hay dùng dự phòng chuyển ngoại bảng… thì xử lý nợ gắn với tái thiết DN tuy chỉ áp dụng được đối với doanh nghiệp còn khả năng phục hồi.

Cũng theo ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC, xử lý nợ xấu qua tái cơ cấu DN buộc phải tạo sự cân đối giữa bên tài sản và bên nguồn vốn. Nghĩa là, mọi khoản công nợ vượt trội so với tài sản đều phải bị cắt bỏ trong khi với đa số các biện pháp khác như bán tài sản đảm bảo thu nợ, khoanh hay giãn nợ, chuyển ngoại bảng hay mua bán qua trái phiếu đặc biệt thì về cơ bản khoản nợ chỉ chuyển chỗ trú ẩn hay được đẩy về tương lai chứ thực chất nó vẫn hiện diện trong sổ sách DN.

Như vậy, khoản nợ xấu sẽ được định giá để cân bằng giữa nợ với giá trị tài sản mà khoản nợ đại diện và phần dư thừa sẽ được cắt bỏ trong khi nhiều giải pháp khác chưa xử lý được số nợ dư thừa.

Tái cơ cấu DN giúp làm biến mất khoản nợ xấu, giúp xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu cho nền kinh tế. Hơn nữa, để tái cơ cấu được DN thì phải xử lý được cơ bản số nợ và các chủ nợ trong khi các giải pháp khác thường chỉ giúp xử lý riêng lẻ từng khoản nợ do nhu cầu xử lý ở từng ngân hàng là khác nhau dẫn đến ở cùng một DN có khoản nợ được xử lý có khoản nợ lại không được xử lý...

Lý giải thêm điều này, Phó Tổng giám đốc DATC cho rằng, phương pháp này làm gia tăng giá trị DN qua đó làm tăng giá trị khoản nợ xấu dẫn đến khoản nợ được thu hồi với giá trị tốt hơn khi so với các biện pháp khác. Lý do là bởi việc tái sinh DN sẽ làm cho khoản nợ xấu bớt xấu, tức là làm khoản nợ xấu có giá trị tốt hơn nhờ việc giải phóng năng lực tạo tiền cho các tài sản đảm bảo nợ vì chúng không còn bị nằm chết do các cam kết hay ràng buộc bởi hợp đồng thế chấp.

So với nhiều biện pháp khác, tái cơ cấu DN không chỉ giúp tài sản hữu hình được tháo nút để được sử dụng mà còn giúp khai thác các lợi thế hay tài sản vô hình như lực lượng lao động, hệ thống bán hàng, thương hiệu, cộng đồng khách hàng… Khi đó, khoản nợ xấu sẽ được định giá trên cơ sở dòng tiền tương lai với giả định DN hoạt động liên tục nên sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với mức thu nợ do bán tài sản theo giá thanh lý.

Một trong những vấn đề dễ dàng nhận biết, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN góp phần bảo đảm an sinh xã hội và làm tăng thu NSNN thông qua việc duy trì và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các DN khi đã mắc nợ xấu với ngân hàng thì cũng thường phát sinh các khoản nợ đọng có tính chất “nhà nước” như nợ đọng thuế, nợ đọng bảo hiểm xã hội, nợ đọng đối với khoản vay ưu đãi đầu tư từ Nhà nước.

Những khoản nợ đọng này về cơ bản sẽ chỉ thu được một phần hay không thu hồi được vì tính chất không được bảo đảm đầy đủ của nó khi xử lý thu hồi nợ theo cách thông thường. Vì vậy, khi tái thiết DN sẽ giúp Nhà nước thu hồi tốt hơn vì DN hồi sinh và mang lại dòng tiền dương. Khi đó, NSNN còn có thêm nguồn thu mới từ hoạt động bán hàng, từ thuế thu nhập DN hay các loại thuế khác…

Mua và xử lý nợ xấu được coi là hoạt động kinh doanh rủi ro bởi người cho vay là ngân hàng với năng lực chuyên môn và cả một hệ thống bộ máy và nhân sự hỗ trợ còn không thu hồi được nợ thì từng nhà đầu tư tư nhân nhỏ lẻ sẽ rất khó để biến khoản nợ xấu trở nên tốt để thu được lợi ích nếu mua nó.

Tuy nhiên, qua giải pháp tái cơ cấu DN khách nợ, nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia khi hợp tác mua nợ cùng các tổ chức xử lý nợ chuyên nghiệp hay trở thành nhà đầu tư góp vốn cổ phần theo phương án tái cơ cấu vốn để tham gia họ sở hữu hay vận hành DN.

Cách thức này khiến nhà đầu tư hào hứng tham gia hơn so với việc họ trực tiếp mua khoản nợ xấu do họ kiểm soát được mức độ rủi ro. Khi DN tái cơ cấu thực sự hồi sinh, cổ phiếu của nó sẽ trở thành hàng hóa để được giao dịch trên thị trường chứng khoán tới tay công chúng đầu tư.

Đánh giá về hoạt động mua bán nợ xấu, tái cơ cấu DN, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng đồng thuận cho rằng, kinh nghiệm xử lý nợ xấu thông qua tái cơ cấu DN của DATC có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu hiện nay.

Trong điều kiện hệ thống các chính sách, pháp luật liên quan hoạt động mua bán nợ đã từng bước được hoàn thiện… thì vấn đề cần làm là nâng cao năng lực tài chính và nhân sự của các DN tham gia thị trường mua bán nợ.