Hỗ trợ doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế


Sáng ngày 11/11/2020 tại Hà Nội và sáng ngày 12/11/2020 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Hội nghị nhằm phổ biến kiến thức, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 11/11/2020 tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 11/11/2020 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Trong đó, quy định rõ phương án, lộ trình áp dụng IFRS và sửa đổi, ban hành lại và ban hành mới chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo định hướng IFRS.

Đề án được ban hành nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Giới thiệu tổng quan về lộ trình áp dụng IFRS và VFRS và giải pháp dành cho doanh nghiệp, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, việc áp dụng IFRS được chia thành 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2021; Giai đoạn 1 (áp dụng tự nguyện), từ năm 2022 đến năm 2025; Giai đoạn 2 (áp dụng bắt buộc) từ sau năm 2025.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán phát biểu khai mạc hội nghị.
Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát kế toán, kiểm toán phát biểu khai mạc hội nghị.

Đối với VFRS, lộ trình áp dụng bao gồm: Giai đoạn chuẩn bị từ năm 2020 đến năm 2024 và giai đoạn triển khai áp dụng VFRS từ năm 2025. VFRS dự kiến sẽ được triển khai áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam. Riêng đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn kế toán riêng cho phù hợp.

Theo ông Trịnh Đức Vinh, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đem lại lợi ích cho không chỉ nền kinh tế Việt Nam ở tầm vĩ mô mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp có nhu cầu áp dụng IFRS và người sử dụng báo cáo tài chính.

Để áp dụng IFRS thành công, các doanh nghiệp cần chuẩn bị với 7 nhóm giải pháp chủ chốt gồm: Xây dựng chiến lược và ngân sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Tổ chức bộ máy kế toán và xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ phận; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu; Xây dựng quy trình chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS; Chuẩn bị nền tảng kỹ thuật cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe chia sẻ kinh nghiệp triển khai IFRS tại một số doanh nghiệp và trao đổi với các chuyên gia xoay quanh việc triển khai IFRS tại doanh nghiệp.

Hiện nay, trên thế giới có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93%) đã tuyên bố chính thức về việc áp dụng IFRS với các hình thức khác nhau. Trong đó, 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước.