Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong giai đoạn tới
Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) là 1 trong 3 nội dung trọng tâm được Chương trình quốc gia về NSCL sẽ triển khai trong thời gian tới.
Với mục tiêu xuyên suốt là hỗ trợ DN nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, khả năng canh tranh đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phong trào năng suất quốc gia, Chương trình quốc gia về NSCL giai đoạn tới sẽ hướng vào 03 nhóm mục tiêu trọng điểm, đó là: Hỗ trợ DN nâng cao NSCL; Tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia; Góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo Ban điều hành Chương trình NSCL quốc gia, mục tiêu hỗ trợ DN của Chương trình giai đoạn tới chủ yếu hướng vào DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên các DN vừa và nhỏ.
Các hệ thống, công cụ được lựa chọn là các hệ thống, công cụ đã áp dụng thí điểm ở giai đoạn I và được xác định là tương đối phù hợp với DN Việt Nam, các hệ thống, tiêu chuẩn bắt buộc theo yêu cầu của nước xuất khẩu và đặc biệt là các công cụ hỗ trợ tiếp cận đến sản xuất thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong số DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực dự kiến được hỗ trợ là khoảng 1.000 DN và sẽ tăng 10-15% qua từng năm. Đồng thời, phấn đấu trong cả giai đoạn xây dựng được ít nhất 100 DN trở thành các mô hình điển hình để có tác động lan tỏa, nhân rộng cho cộng đồng DN.
Ban điều hành Chương trình NSCL quốc gia cho biết, để Chương trình đạt hiệu quả cao, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến để nâng cao NSCL và khả năng canh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; Tạo nguồn nhân lực hỗ trợ DN nâng cao NSCL gắn với những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Song song với đó, đẩy mạnh đào tạo được ít nhất 200 chuyên gia NSCL được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn và khoảng 5.000 cán bộ quản lý NSCL của DN được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về NSCL, đây là nguồn lực tại chỗ đảm bảo thực hiện và duy trì các dự án cải tiến NSCL tại DN.
Theo Ban điều hành Chương trình NSCL quốc gia, trong số DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực dự kiến được hỗ trợ là khoảng 1.000 DN và sẽ tăng 10-15% qua từng năm; phấn đấu trong cả giai đoạn xây dựng được ít nhất 100 DN trở thành các mô hình điển hình để có tác động lan tỏa, nhân rộng cho cộng đồng DN.