Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2017. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với khu vực doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, khu vực doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng (VCCI, 2018). Từ thực tế đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp khu vực doanh nghiệp này tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn tín dụng
Cho đến nay, khung chính sách, pháp luật về tín dụng và hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn, nhằm tháo gỡ các khó khăn cho DN phát triển trong tiếp cận nguồn vốn vay. Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017. Triển khai Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện như: Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo…
Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Chính phủ, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vay vốn. Cùng với việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn, NHNN còn tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - DN tại nhiều địa phương nhằm thúc đẩy nguồn vốn tín dụng hỗ trợ DNNVV phát triển sản xuất kinh doanh.
Triển khai cơ chế chính sách, chỉ đạo của NHNN, hình thức cấp tín dụng của các TCTD ngày càng đa dạng, thủ tục hành chính cũng được rút gọn hơn và quan trọng là các chương trình ưu đãi để hỗ trợ DN nâng cao giá trị gia tăng đã được các TCTD đẩy mạnh. Tính đến ngày 10/6/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018; tín dụng đối với DNNVV tăng 5,04%.
Số liệu tổng kết 4 năm triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN cho thấy, đã có gần 195 nghìn DN được tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt 2,5 triệu tỷ đồng. Chỉ riêng trong năm 2018, đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN được tổ chức trên toàn quốc. Qua chương trình, các ngân hàng đã cam kết cho vay hơn 800.000 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân gần 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 DN và một số đối tượng khác; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 DN và một số đối tượng khách hàng khác.
Kết quả trên cho thấy, hệ thống ngân hàng đã có những định hướng mở hơn đối với DN, đặc biệt là phân khúc DNNVV. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV hiện nay vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do khả năng tài chính của các DNNVV còn hạn chế. Rất nhiều DNNVV không đủ uy tín vay tín chấp, không có dự án khả thi, quy mô hoạt động nhỏ. Tính hiệu quả trong hoạt động của DNNVV cũng chưa cao.
Thực tế cho thấy, năng lực nội tại của các DNNVV hiện nay còn yếu, trong đó các nhà sáng lập DNNVV lại chưa tập trung đến tính thực tiễn của mô hình kinh doanh, còn chú trọng quá nhiều đến ý tưởng; thiếu thông tin để tiếp cận được các nguồn hỗ trợ từ Chính phủ. Ngoài ra, do chưa có sự chuẩn bị đầy đủ trong triển khai hoạt động huy động vốn, nên các DNNVV khởi nghiệp chưa thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và không trình bày được những giá trị và tiềm năng của dự án kinh doanh trong tương lai.
Bên cạnh đó, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn không chỉ ở chính các DNNVV, mà còn ở các ngân hàng. Nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng thương mại hiện nay chưa mạnh dạn thay đổi tư duy, chính sách cho DNNVV vay vốn, do còn e ngại DNNVV không có hoặc có ít tài sản đảm bảo.
Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị ngày càng cao theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện đối với khách hàng vay vốn. Trong đó, những điều kiện mang tính chuẩn mực được đưa ra dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và mọi DN vay vốn cần tuân thủ. Trong khi, DNNVV khi mới khởi sự thì hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó đáp ứng được các điều kiện này.
Trong thực tế, còn nhiều ngân hàng chưa thực sự mặn mà với phân khúc DNNVV, do đánh giá dựa trên hiệu quả kinh doanh vốn. Với một nguồn nhân lực hữu hạn của các ngân hàng, khi xử lý một bộ hồ sơ vay của DNNVV, thường là khoản vay nhỏ, việc thu thập hồ sơ, thẩm định, quản lý trong và sau cho vay vẫn phải tuân thủ quy trình cho vay đầy đủ như các khoản vay của các DN thông thường, vì vậy, với cùng mức chi phí quản lý và nguồn lực, nhưng hiệu quả cho vay của DNNVV lại chưa tương xứng, bởi do các “lực cản” sau:
Thứ nhất, hệ thống báo cáo tài chính của các DNNVV đặc biệt DN siêu nhỏ, chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, nên gây khó khăn cho phía ngân hàng trong thực hiện thẩm định thông tin khách hàng.
Thứ hai, đối với các DN nói chung, ngoại trừ các DN đã đạt mức tín nhiệm cao có thể vay tín chấp tại các tổ chức tín dụng, thì đa số DNNVV không có đủ tài sản đảm bảo đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị đảm bảo tốt theo quy định. Ngân hàng nên cân nhắc, xem xét nhận tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ hoặc hàng tồn kho để có thể hỗ trợ vốn cho khách hàng. Như vậy, so với các DN thông thường, ngân hàng gặp rủi ro lớn hơn khi thực hiện cho vay đối tượng khách hàng DN phân khúc này.
Thứ ba, đối với các khách hàng DN siêu nhỏ, do đặc thù khách hàng buôn bán nhỏ lẻ và thiếu bài bản trong quản lý tài chính, nên ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ.
Việt Nam hiện có 70 Quỹ Đầu tư mạo hiểm, nhưng hầu hết DNNVV hiện nay chưa thực sự chú trọng ý và tận dụng hiệu quả nguồn lực này. Các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV cũng chưa phát huy được vai trò cầu nối do đang gặp phải một số hạn chế sau:
- Quy mô của Quỹ dự phòng rất nhỏ và đang giảm dần. Sau 05 năm hoạt động, Quỹ đã chi hết 84% số vốn được cấp ban đầu, mặc dù đã được bổ sung nhưng số vốn hiện nay chưa bằng một nửa số vốn ban đầu. Việc thu hồi nợ bắt buộc rất thấp (31,2% nợ phải thu) do không xử lý được tài sản đảm bảo. Nguồn vốn dự phòng được cấp giảm đi nhanh chóng, do các quy định còn thiếu chi tiết và chặt chẽ, chưa điều chỉnh đầy đủ các trường hợp nảy sinh trong thực tế nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc.
- Mức bảo lãnh tối đa 100% là quá cao, không khuyến khích ngân hàng thương mại cùng chia sẻ rủi ro, do đó, ngân hàng thận trọng hơn trong việc thẩm định và cho vay dự án. Trong quy chế không quy định cụ thể các trường hợp bảo lãnh có quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh. Vì vậy, trên thực tế, có trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vô điều kiện, kể cả khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ về sử dụng vốn trong Hợp đồng.
- Hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương còn nhiều hạn chế. Tính đến nay, cả nước có 27 địa phương thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng chỉ có một số quỹ hoạt động hiệu quả (Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ...). Một số Quỹ hoạt động lay lắt, cầm chừng do có nhiều bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực. Hầu hết chính quyền các địa phương đều nhận thấy việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là cần thiết, nhưng lại gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách.
- Quỹ Phát triển DNNVV mới đi vào hoạt động được gần 2 năm nên chưa thu hút và hỗ trợ được nhiều cho DNNVV. Theo báo cáo của Quỹ, trong năm 2016, dù Quỹ đã có nhiều chương trình tập huấn, truyền thông về chương trình nhưng cả năm chỉ có 20 hồ sơ đăng ký vay với giá trị 250 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 12 DN được phê duyệt và vay với giá trị 100 tỷ đồng, chỉ bằng 17% hạn mức cho vay trong năm 2016 (560 tỷ đồng). Hiện nay, các quy định hướng dẫn đối với hoạt động của Quỹ vẫn chưa được ban hành đầy đủ, nên việc hoạt động theo quy định mới (Luật Hỗ trợ DNNVV) triển khai chưa hiệu quả.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả
Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ DN phát triển, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại
- Cần chủ động nâng cấp hệ thống, đầu tư xây dựng nền tảng tài chính kỹ thuật số, sử dụng quy trình xử lý hệ thống tự động để nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính đến đại đa số DNNVV. Nghĩa là, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin liên kết với các DNNVV, triển khai và cung cấp các giải pháp quản lý dòng tiền để cho phép các DN có thể tự giao dịch với ngân hàng thông qua hệ thống này một cách nhanh chóng và thuận tiện với chi phí thấp, giúp các DNNVV nâng cao năng lực quản lý tài chính, đáp ứng các điều kiện khi tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn trong và ngoài nước.
- Tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của các DNNVV được Chính phủ, Nhà nước chú trọng phát triển.
- Thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.
- Cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu thông tin cung cấp phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
- Tiến tới có thể áp dụng công nghệ về dữ liệu lớn trong hoạt động ngân hàng sẽ giúp cho ngân hàng nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh, xu hướng sử dụng sản phẩm dịch vụ cũng như đánh giá về uy tín trong quan hệ tín dụng của khách hàng tốt hơn.
- Tổ chức các diễn đàn/hội thảo để kết nối DNNVV và ngân hàng nhằm cung cấp thông tin và tư vấn cho DN về sản phẩm, thủ tục vay vốn.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng. Các DNNVV cần nghiên cứu, xây dựng mạng lưới nguồn vốn bên ngoài, tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường vốn, các định chế tài chính, công ty tài chính...
- Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ trong việc lập sổ sách kế toán, khai thuế và hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng qua internet nhằm giảm chi phí giao dịch, kết nối và chia sẻ thông tin tài chính với các TCTD để dần minh bạch hóa thông tin tài chính, tạo lòng tin trên thị trường.
- Nâng cao chất lượng, trình độ quản trị DN, quản trị rủi ro và quản lý tài chính.
- Tích cực tham gia các hiệp hội DN để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các TCTD.
- Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2019), Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
2. Ngân hàng Nhà nước (2018), Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vay vốn;
3. Quỹ Hỗ trợ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), Hoạt động hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sau một năm chính thức hoạt động;
4. Phạm Văn Hồng (2007), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Ðại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.