Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới
Trước thực tế số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục trong năm qua, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy nhận định, đây là điều tất yếu và rất phù hợp với xu hướng của nền kinh tế hiện nay. Thời gian tới, bà cho rằng cần bố trí ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu nhằm hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Nhiều điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển
Phóng viên: Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 của cả nước đạt cao kỷ lục, bà đánh giá thế nào về điều này?
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bùi Thu Thủy |
Theo bà, các doanh nghiệp trong khu vực nào đang hoạt động nhiều và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất?
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ vẫn chiếm cơ cấu lớn nhất. Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, thời điểm hết năm 2016, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực này khoảng 354 nghìn, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm số doanh nghiệp khu vực này tăng thêm 11,5%. Tiếp theo đó là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với hơn 146 nghìn doanh nghiệp.
Còn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp còn tương đối nhỏ với chỉ khoảng 4,5 nghìn. Chính vì vậy, Chính phủ cũng đang thực hiện thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn vào mảng sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn
Liệu số lượng doanh nghiệp tăng quá nhiều như vậy có làm ảnh hưởng tới chất lượng doanh nghiệp, thưa bà?
Số lượng doanh nghiệp ra đời nhiều không ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng, nhưng không có nghĩa số lượng nhiều thì chất lượng cũng tương ứng. Trong giai đoạn vừa qua, tuy Chính phủ đã khẳng định số lượng doanh nghiệp ra đời đang tiến triển khá tốt nhưng với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp như chúng tôi cũng thấy rằng chất lượng doanh nghiệp cũng chưa đạt yêu cầu.
Tỉ lệ các doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, thậm chí thua lỗ trên sàn chứng khoán trong thời gian qua ngày càng tăng cao, nguyên nhân cơ bản do chi phí quản lý và chi phí lãi vay vẫn là cái khó mà doanh nghiệp không kiểm soát được. Do đó, trong giai đoạn tới, để tăng cường chất lượng doanh nghiệp phải đưa vào mô hình quản trị mới, áp dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí đầu tư của doanh nghiệp, hoặc ứng dụng những phần mềm quản lý để giảm chi phí quản lý.
Qua những buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp cũng như tổng hợp ý kiến qua các hiệp hội, tôi cũng thấy rằng doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Ngoài những chi phí vay vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp thì vẫn còn khó khăn bởi các thủ tục hành chính. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể nhưng nhiều quy trình vẫn phải làm theo pháp luật nên vẫn còn vướng và tốn kém thời gian.
Chẳng hạn như mảng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phản ánh việc cấp bằng sáng chế vẫn còn chậm, những cấp phép mang tính chuyên ngành sâu cũng còn đang “tắc”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn bối rối ở đầu ra, hàng hóa không đạt những tiêu chuẩn hay ISO để xuất khẩu thì cũng không bán được hàng.
Để thực hiện được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, cần tạo thêm những điều kiện gì để doanh nghiệp phát triển, thưa bà?
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cũng có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và giao trách nhiệm rất lớn cho chính quyền địa phương ngoài công tác bố trí ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, phải có những chính sách hoặc bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu, tức là khi doanh nghiệp trên địa bàn phát triển thì mới thu thuế.
Đó là chính sách lớn mà trong thời gian tới cần triển khai mạnh mẽ và sâu rộng. Cũng cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ, mặt bằng sản xuất, tín dụng tài chính rồi giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hoặc tổ chức đào tạo để nâng cao kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp. Đó là những hướng đi mà trong thời gian tới Cục Phát triển doanh nghiệp cũng như các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành sẽ tập trung để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, loại bỏ các doanh nghiệp kinh doanh trái pháp luật, gây tổn hại cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại để cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, trên cơ sở đó Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Xin cảm ơn bà!