Hỗ trợ đồng bộ và dài hạn nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ
Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, công tác triển khai bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Bảo đảm nguồn lực
Việc bố trí, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua đã được các cơ quan bộ, ngành và địa phương ưu tiên thực hiện. Trong giai đoạn từ 2018 - 2021, Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành được bố trí tổng kinh phí hơn 630 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ở cấp địa phương, tổng kinh phí được bố trí để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ khoảng 75,88 tỷ đồng. Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Ngân sách nhà nước đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hơn 650 tỷ đồng để khởi công mới 2 dự án Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật phát triển công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch đối với các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Có thể thấy, về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các dự án hỗ trợ kỹ thuật với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia được triển khai tích cực trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp hỗ trợ, hình thành mạng lưới nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng yêu cầu khi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/1/2021; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 7/1/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư….
Với sự hỗ trợ, đồng hành từ phía nhà nước, năng lực và trình độ kỹ thuật, công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp ngày càng tích cực đổi mới, hiện đại hóa quy trình sản xuất, quản trị chất lượng và tạo sự tin cậy cho các đối tác nước ngoài trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng ngày càng được nâng cao.
Hỗ trợ mạnh mẽ, đồng bộ và dài hạn
Tại Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 115, theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước.
Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển, rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng đồng bộ và theo đuổi kiên trì, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng để gấp rút nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua các chương trình có mục tiêu cụ thể.
Chính phủ cần quán triệt, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực và hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 115, kịp thời báo cáo Chính phủ để đưa ra giải pháp hữu hiệu. Đồng thời, Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và sớm thông qua, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng Luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian tới Bộ triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi trên cơ sở Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 111. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 4/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025, bổ sung các nội dung: hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển giải pháp nhà máy thông minh vào quy trình sản xuất, hệ thống quản trị sản xuất và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý và sản xuất của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng 4.0; hỗ trợ các thủ tục về thử nghiệm, kiểm định, đo lường chất lượng, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xây dựng và trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Phát triển công nghiệp. Triển khai 2 dự án đầu tư công xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.