Công nghiệp hỗ trợ hưởng lợi từ làn sóng FDI
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia như Panasonic, Boeing… mới đây đã xác định chiến lược, cam kết mở rộng đầu tư và đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, đây là áp lực lớn song cũng là cơ hội để Việt Nam thiết lập các chính sách dài hạn, tạo điều kiện môi trường thuận lợi, minh bạch để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn và phát triển lâu dài.
Khơi thông điểm nghẽn, vướng mắc
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm trong khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN-KKT) đang chiếm khoảng 35-40% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm của cả nước, tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn đầu tư nước ngoài khu vực này đang chiếm 70-80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài, nhất là đầu tư vào các KCN-KKT.
Đến nay, hệ thống KCN-KKT trong cả nước có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố với 403 KCN, 18 KKT ven biển và 26 KKT cửa khẩu được thành lập. Các KCN-KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.
Cụ thể, hiện các KCN-KKT Việt Nam đang là điểm đến của các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Panasonic, Boeing, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP… Nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng KCN cũng đã nắm bắt cơ hội phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như: Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex,…
Chia sẻ mới đây, ông Micheal Vũ Nguyễn - Giám đốc quốc gia Boeing tại Việt Nam - cho biết, giá trị hàng sản xuất tại Việt Nam cho Boeing trong các năm qua là 200 triệu USD. Vì vậy, Boeing sẽ làm việc với các nhà cung cấp chính để hỗ trợ huấn luyện, nâng cao kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất. Song hãng này cũng mong muốn, kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục chủ trương với chính sách rộng mở, linh động, hiệu quả cho các nhà cung cấp chính trong ngành hàng không được thuận tiện đầu tư thêm và đầu tư mới vào Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ cần tận dụng nguồn vốn FDI hiệu quả
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang là địa điểm được các doanh nghiệp FDI quan tâm vì đáp ứng được nhiều yếu tố then chốt như sự ổn định chính trị, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau dịch COVID-19, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của Nhà nước, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc, nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã được ký kết và đang được thực thi có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, việc thu hút đầu tư vào KCN hiện nay vẫn còn gặp những thách thức như thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, việc giải phóng mặt bằng cho các KCN mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài.
Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, sau hơn 30 năm mở cửa thu hút đầu tư, nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đẩy nhanh thời gian mở rộng thị trường quốc tế, mà ngày càng cải tiến hơn về nhiều mặt trong hoạt động kinh doanh (chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật…), giảm gánh nặng về vốn cho nhiều dự án lớn.
Bên cạnh đó, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài hiệu quả còn góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách pháp luật, môi trường kinh doanh, phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam định hướng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số…, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.
Những năm qua, tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng, kể cả khi toàn cầu chịu tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng. Chính vì thế, sản xuất công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ cần tận dụng và hưởng lợi từ làn sóng FDI.