Công nghiệp hỗ trợ: Ngành dệt may đang bị cạnh tranh gay gắt
Ngành Dệt may đóng góp lớn vào GDP cả nước, mỗi năm mang về giá trị kim ngạch trên 40 tỷ USD. Tuy nhiên, do thiếu công nghiệp phụ trợ, nên hầu hết nguyên liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm bị "đội" lên, làm giảm lợi thế cạnh tranh với các nước có kinh nghiệm xuất khẩu dệt may lớn.
Bị cạnh tranh gay gắt bởi giá thành
Trao đổi với PV Lao Động, PGS.,TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sản xuất công nghiệp là nền tảng sáng tạo giá trị đối với nền kinh tế và ngành công nghiệp luôn đóng vai trò dẫn dắt các lĩnh vực khác phát triển. Về tỷ trọng đóng góp vào GDP công nghiệp luôn chiếm trên 1/3.
Về tăng trưởng, công nghiệp luôn đạt mức cao gấp đôi hoặc hơn tăng trưởng GDP trung bình hằng năm. Các ngành công nghiệp nền tảng là chỗ dựa phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những “sếu đầu đàn” mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước, dự báo năm 2022 có thể mang về giá trị kim ngạch từ 42-43 tỷ USD.
Đánh giá về nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp dệt may, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ đối với dệt may nói riêng đang rất nhiều hạn chế, có thể nói là đang bị “bỏ trống” khiến hầu hết các nguyên liệu đều phải nhập khẩu (NK). Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến lợi thế về giá của các sản phẩm làm ra.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù là ngành xuất khẩu (XK) có trị giá lớn, hàng năm mang về kim ngạch trên 40 tỷ USD, nhưng ngành dệt may đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân công và nguyên phụ liệu giá rẻ như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong đó, đặc biệt là các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Lý giải vấn đề này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, quy tắc xuất xứ từ sợi, vải trở đi là khâu yếu của dệt may Việt Nam, khi Việt Nam phải nhập đến 80% vải cho may XK. Mặc dù hiện nay, một số DN cũng đang tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chủ động tìm nhiều giải pháp để phục hồi và khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn cao.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), không chỉ vấn đề giá thành sản phẩm, việc phụ thuộc vào nguồn cung nguyên, phụ liệu NK ngoài làm khó DN trong việc đáp ứng kịp thời các đơn hàng, còn là trở ngại đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Mỗi tháng mất hơn 2 tỷ USD vì “trắng” công nghiệp hỗ trợ
Theo ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam 2022, việc phát triển công nghệ hỗ trợ ngành dệt may vẫn còn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi rất khó triển khai các dự án dệt, nhuộm, do các địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây là ngành đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm vấn đề công nghệ, đất đai, nhân lực kỹ thuật cao… mà nhiều địa phương chưa có đủ nguồn lực.
Chính vì thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, nên có đến 80% nguyên liệu dệt may phải NK từ các nước. Số liệu thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, trung bình mỗi tháng Việt Nam phải chi hơn 2 tỷ USD để nhập nguyên liệu, bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày…
Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào cũng “phi mã” đang tác động rất lớn đến sức cạnh tranh của các sản phẩm dệt may Việt Nam. Chính vì vậy, trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.