Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tối đa 450 nghìn đồng/ha/năm

PV.

Đó là một trong những nội dung được quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BTC ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.

Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tối đa là 450 nghìn đồng/ha/năm. Ảnh: internet
Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tối đa là 450 nghìn đồng/ha/năm. Ảnh: internet

Thông tư số 21/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, đối tượng, tiêu chí, phương thức khoán bảo vệ rừng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 7 Điều 7 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Theo Thông tư số 21/2023/TT-BTC, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân là 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân.

Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha/5 năm, thực hiện cả giai đoạn Chương trình 2021-2025 và được bố trí trong tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng cấp cho các đơn vị, địa phương thực hiện Chương trình. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 01 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.

Thông tư số 21/2023/TT-BT có hiệu lực từ ngày 1/6/2023. Đối với hồ sơ khoán bảo vệ rừng đã lập giai đoạn trước và được chuyển tiếp triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 thì không được bố trí kinh phí lập hồ sơ từ Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm rà soát, quyết định hồ sơ chuyển tiếp đảm bảo phù hợp với Chương trình giai đoạn 2021-2025.