Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại Lễ khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, sáng ngày 26/12, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
Trình bày báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam (Hội) khóa VII tại Lễ khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội lần thứ VIII (Đại hội), nhiệm kỳ 2023 - 2028, thay mặt Đoàn Chủ tịch, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội đã trình bày báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII.
Báo cáo nhấn mạnh, đại hội diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cấp hội và giai cấp nông dân Việt Nam đang tích cực thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII và đón nhận Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh, xung đột giữa các nước, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu và kinh tế - xã hội của nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng, các cấp hội và cán bộ, Hội vẫn đạt được kết quả quan trọng và toàn diện.
Nông nghiệp tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển cả về quy mô và trình độ, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao. Đưa nước ta trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác Hội và phong trào nông dân còn những hạn chế, yếu kém. Hoạt động Hội một số nơi chậm đổi mới, phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao.
Cùng với đó, việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát nhất là cấp cơ sở chưa hiệu quả; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng.
Trong thời gian tới, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp.
Xu thế biến đổi xã hội nông thôn truyền thống, mặt trái của toàn cầu hoá, cơ chế thị trường và không gian mạng cùng với yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.
Bối cảnh đó đòi hỏi trong nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân phải phát huy tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển"; bám sát Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị.
“Phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Hội trong sạch, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân. Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Xây dựng người nông dân văn minh, giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm xã hội. Khơi dậy khát vọng vươn lên của nông dân để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nông thôn hiện đại, phồn vinh”, bà Thơm nhấn mạnh.