Đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững
Chủ trương và đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và sinh kế của người nông dân phát triển, gặt hái được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Thực trạng chính sách, pháp luật đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Trong gần 30 năm qua, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới trên cơ sở bám sát, thể chế kịp thời các quan điểm của Đảng đối với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cụ thể:
Khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp: Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp, giải phóng sức lao động, có chính sách bảo hộ, quy hoạch quỹ đất nông nghiệp ổn định, lâu dài giúp người nông dân yên tâm đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ đất trồng lúa; có chính sách hỗ trợ những vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo đảm an ninh lương thực...
Thực hiện chính sách giá đất nông nghiệp: Giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp từng bước được xác định theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần bảo đảm cho thị trường này phát triển đúng hướng, ngăn chặn đầu cơ, đồng thời tạo đà cho nông dân có nguồn vốn thực sự khi bị thu hồi đất nông nghiệp. Giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp góp phần tạo được lợi thế cho nông dân góp vốn hoặc mua cổ phần bằng đất vào các doanh nghiệp kinh doanh.
Thực hiện tốt chính sách thu hồi đất và đền bù đất nông nghiệp: Thực hiện Luật Đất đai, các địa phương đã thu hồi hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế. Việc hạn chế thẩm quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương đã bảo đảm quỹ đất trồng lúa, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đưa đất đã thu hồi vào sử dụng. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, giá đất bồi thường áp dụng giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bảo đảm sinh kế cho người có đất thu hồi; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở mà phải di chuyển chỗ ở.
Tạo tiền đề phát triển khu dân cư nông thôn: Việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch bảo đảm cho việc sử dụng đất đai và xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn được văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét của văn hóa làng, xã của các địa phương. Quỹ đất quy hoạch cho phát triển khu dân cư nông thôn như hạ tầng văn hóa, thể thao, giáo dục… cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu theo quy hoạch nông thôn mới. Có nhiều biện pháp quản lý và đưa vào sử dụng hiệu quả đất ao, hồ, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư nông thôn.
Góp phần xây dựng công trình thủy lợi, đất hành lang an toàn, thiết chế văn hóa ở nông thôn: Phát triển hệ thống thủy lợi bảo đảm cung cấp đủ nước để khai thác tốt diện tích đất cây hằng năm (trong đó có đất lúa), bước đầu hoàn thiện hệ thống đê biển, đê sông nhằm chủ động ứng phó với tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chú trọng đến việc bố trí đất cho hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn; quan tâm đến việc bố trí đất cho các cơ sở y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, nghiên cứu khoa học, dịch vụ về xã hội…
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được nói trên, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.
Về tích tụ, tập trung đất đai: Thời gian qua, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Mặc dù đã có những đổi mới về cơ chế, chính sách, nhưng thực tế cho thấy, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra chậm, chủ yếu ở các vùng đất trống, bãi bồi ven sông, đồi trọc, đất có mặt nước chưa đưa vào sử dụng. Số thửa đất sản xuất nông nghiệp bình quân 1 hộ tăng từ 2,5 thửa năm 2016 lên 2,8 thửa năm 2020 và diện tích bình quân 1 thửa tăng từ 1.843,1m2 lên 2.026,3m2. Kết quả đánh giá giữa kỳ nông nghiệp, nông thôn năm 2020 cho thấy, cả nước có 1.051/8.297 xã đã xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mỗi cánh đồng mẫu lớn có diện tích gieo trồng trung bình là 163,3ha. Có 327,3 nghìn hộ nông dân tham gia mô hình, chiếm tỷ lệ 3,6% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp của cả nước. Số hộ nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn có xu hướng giảm so với năm 2016. Điều này cho thấy, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả, bền vững. Nhiều nơi, trong phạm vi quy hoạch cánh đồng mẫu lớn vẫn xuất hiện nhiều mảnh ruộng, thửa ruộng nhỏ của các hộ không đồng ý tham gia mô hình. Điều này gây hạn chế trong thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cũng như phát huy lợi thế nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp.
Mặc dù đã xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn, nhưng cơ chế khuyến khích còn chưa phù hợp nên việc xây dựng cánh đồng lớn, mô hình tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp... còn hạn chế. Do tình trạng manh mún và kém hiệu quả kinh tế, không ít nông dân chưa nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng đất “phòng cơ”. Các nhà đầu tư mới rất khó khăn để có được đủ diện tích mặt bằng thực hiện dự án theo tiến độ (một số dự án không có khả năng triển khai thực hiện do không thoả thuận được với các hộ dân); quy định, thủ tục hành chính rườm rà. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”; khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”. Quy định này làm hạn chế các quyền cơ bản của hộ gia đình, cá nhân, cản trở tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Theo khoản 2 Điều 46 Luật Đất đai năm 2013, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp (có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và có sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất). Nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật chưa quy định rõ thế nào là thay đổi khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, việc thu hồi, giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Điều 52 Luật Đất đai năm 2013). Do đó, những công trình, dự án không nằm trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt sẽ không đủ điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, kế hoạch sử dụng đất chỉ được thông qua hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại các lần họp thường kỳ mỗi năm (vào tháng 6 và tháng 12). Như vậy, những công trình không có trong kế hoạch bắt buộc phải chờ ít nhất sau 6 tháng thì mới được trình xin phê duyệt. Điều này gây chậm trễ xin cấp phép đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút các chủ đầu tư tư nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hạn chế tiếp theo đó là, các dự án phải đáp ứng yêu cầu đã bố trí vốn mới được nằm trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Quy định này chỉ phù hợp trong điều kiện dự án được đầu tư bằng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, đất để hoang hóa hoặc sử dụng không hiệu quả; quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành liên quan; chưa dự báo tốt nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều.
Về những quy định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp: Tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 và Điều 11 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT, ngày 27/1/2015, của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ” chưa quy định trường hợp chuyển mục đích đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác. Do đó, gây khó khăn trong công tác chuyển mục đích sử dụng đất khi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 là chưa phù hợp, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, thời gian kéo dài mất cơ hội thu hút đầu tư. Cụ thể như, việc thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, nhưng khi thực hiện vẫn phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ một lần nữa.
Về chính sách tài chính đất đai: Khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô). Biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất.
Việc áp dụng giá đất trong bảng giá đất 5 năm để thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế) khi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất... là bất hợp lý, thất thu cho ngân sách nhà nước vì giá trong bảng giá đất có giá trị trong 5 năm mà thị trường giá trị quyền sử dụng đất thay đổi liên tục theo quy luật cung - cầu, thực tế giá đất năm sau thường cao hơn năm trước.
Mặt khác, việc miễn, giảm tiền thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai nhiều năm nhưng tình trạng ruộng bị bỏ hoang, không canh tác gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhiều chủ đầu tư không thuê được đất để đầu tư canh tác. Điều này cho thấy, cơ chế khuyến khích tài chính đối với đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả.
Quan điểm và giải pháp tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng hiện đại, bền vững
Về quan điểm:
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá; là tài sản, là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất đặc biệt của nông nghiệp; quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt. Đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng “Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”, cần quán triệt các quan điểm sau:
Một là, nhấn mạnh đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Hai là, coi quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ba là, cần đổi mới chính sách đất đai theo hướng vừa bảo đảm tính ổn định lâu dài trong quản lý và sử dụng, nhưng cũng vừa phải linh động phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ, bảo đảm nguyên tắc hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm. Quản lý thận trọng, linh hoạt việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa, đất có rừng đang sử dụng vào mục đích khác nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hóa công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai dựa trên phát triển hệ thống dữ liệu số về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất.
Năm là, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Về giải pháp:
Từ thực tế đánh giá công tác đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai và thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian qua cho thấy, cần thiết phải thực hiện các giải pháp tiếp tục đổi mới nhằm đáp ứng các yêu cầu mới và giải quyết được những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, trọng tâm là:
Một là, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai theo hướng khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, tránh tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Trong đó, sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác liên quan đến đất đai.
Bổ sung quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, theo đó cho phép các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (kể cả đất lúa, đất rừng phòng hộ) đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt (tại Điều 191 Luật Đất đai năm 2013); đồng thời, bỏ quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng đất lúa, đất rừng; bỏ điểm b khoản 1 Điều 179, Điều 190 Luật Đất đai năm 2013.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp (tại Điều 129 và Điều 130 Luật Đất đai năm 2013). Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với từng loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng vùng, miền.
Nghiên cứu cơ chế tài chính linh hoạt, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, tránh tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Theo đó, cần xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau. Tăng cường sử dụng công cụ thuế và các chế tài mới để hạn chế, ngăn ngừa các hành vi “gom” đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi đi ngược lại nhu cầu tích tụ, tập trung đất nông nghiệp vì mục đích phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Xử lý nghiêm các hình thức tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí hộ đói nghèo... để mua rẻ hoặc thu hồi đất “bờ xôi, ruộng mật”, lập dự án “treo”, hay phân lô bán để trục lợi. Xem xét đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến với mức thấp nhất bằng tiền thuê đất lúa của Nhà nước hiện nay để tránh tình trạng bỏ hoang đất. Bỏ thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách mới khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp.
Nghiên cứu, bổ sung thêm loại đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vào phân loại đất phi nông nghiệp. Đối với loại đất này, để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, nhà kho lưu trữ, bảo quản nông sản) trên đất nông nghiệp sau khi chuyển mục đích sử dụng, theo nguyên tắc diện tích được phép chuyển mục đích sử dụng tương ứng với sản lượng tạo ra từ vùng chuyên canh. Cho phép doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích nhất định để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp (Nghị định số 35/2015/NĐ-CP).
Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đối với từng loại đất phù hợp với mục đích sử dụng và đất có mục đích sử dụng hỗn hợp. Luật hóa quy định cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng phải bảo đảm các điều kiện canh tác để quay lại tiếp tục trồng lúa khi cần. Việc thu hẹp diện tích đất trồng lúa phải được tiến hành nghiêm ngặt, chặt chẽ phù hợp với quan điểm an ninh lương thực theo cách tiếp cận phát triển chung của đất nước, khu vực, thế giới; cho phép nông dân được linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trồng lúa phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất cho chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch và bảo đảm các điều kiện về môi trường. Giữ ổn định diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, linh hoạt trong việc xác định loại cây rừng, kết hợp nhiều mục đích; quản lý đất nông nghiệp theo chức năng của đất, mục đích sử dụng đất; thống nhất việc chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng trong một hồ sơ. Cho phép chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương án chuyển đổi theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phân bổ. Sửa Điều 58 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cho phép cấp tỉnh thẩm định phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang các mục đích nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản với diện tích dưới 300ha theo quy hoạch.
Hai là, nâng cao chất lượng việc lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính; các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cần nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược để xác định nhu cầu đất cho các ngành, các lĩnh vực, để phân bố sản xuất hợp lý, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Lập quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh và giám sát thực hiện quy hoạch đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, rau, nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác; bảo vệ đất lúa nhưng cho phép thay đổi linh hoạt mục đích sử dụng giữa lúa và các cây trồng khác. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn chặt với các kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng những chính sách, đối sách phù hợp.
Ngoài việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là vấn đề hết sức quan trọng. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được quan tâm thường xuyên và đi vào thực chất, đặc biệt là việc quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt.
Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, minh bạch hóa thị trường đất đai phục vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính chính quy theo Nghị quyết số 39/2012/QH13, ngày 23/11/2012, của Quốc hội “Về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”. Đổi mới quy trình công nghệ trong việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, thống kê, kiểm kê đất đai; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký và cập nhật biến động đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu số hóa về đất đai phục vụ phát triển và minh bạch hóa thị trường quyền sở hữu đất. Bảo đảm mục tiêu quản lý và sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bền vững.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp.