Hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định, bền vững
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm phát triển bền vững các thị trường tài chính, trong đó có thị trường bảo hiểm. Công tác này sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính tập trung thực hiện trong năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường phát triển an toàn, ổn định, bền vững.
Chủ động hoàn thiện các văn bản pháp lý
Nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường bảo hiểm, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Luật đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Luật cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm; cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư.
Các chính sách trên đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, giảm các thủ tục hành chính và tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Nhờ đó, thị trường bảo hiểm năm 2022 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1% so với năm 2021; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm như: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô; dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Hỗ trợ thị trường phát triển an toàn, bền vững
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật cho sự phát triển của thị trường, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đồng thời, rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về triển khai các sản phẩm bảo hiểm có tính đặc thù, sản phẩm bảo hiểm có tác động an sinh xã hội, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm ứng dụng công nghệ thông tin, bảo hiểm xanh... Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nhiều hoạt động kinh tế và đời sống.
Cùng với đó là triển khai các giải pháp nhằm đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối; chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Trong đó, thực hiện chuyển đổi sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm; Xây dựng và ban hành sổ tay quản lý, giám sát bảo hiểm trên cơ sở rủi ro; Tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực khác có liên quan trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phương thức kinh doanh mới...