Mở rộng đối tượng tiền gửi được bảo hiểm nhằm thích ứng với xu hướng tiêu dùng

Hà Trang

Tại Việt Nam, gửi tiền tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng được coi là một kênh đầu tư an toàn, được người dân ưu tiên hướng đến. Ngay cả khi hệ thống ngân hàng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, thì tiền gửi nói chung và tiền gửi tiết kiệm nói riêng vẫn tăng trưởng đều đặn qua từng năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhìn lại thời điểm cách đây 10 năm, vào cuối tháng 4/2012, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố số liệu về thông tin tiền gửi của dân cư. Theo đó, tổng lượng tiền gửi đạt gần 1,45 triệu tỷ đồng trên tổng số 88,8 triệu dân. Đến nay, dân số nước ta đã tăng lên 98,8 triệu người, thu nhập của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Dữ liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 3.743 USD (gấp đôi năm 2011) và liên tục tăng, kéo theo quy mô tiền gửi của người dân ngày một lớn hơn. Theo cập nhật mới nhất của NHNN vào cuối tháng 5/2022, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt gần 5,56 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu so với thời điểm cách đây 10 năm thì GDP bình quân đầu người cao gấp hơn 2 lần, còn lượng tiền gửi bình quân đầu người cao gấp 3,5 lần.

Có được tăng trưởng nói trên là do hệ thống ngân hàng không ngừng sáng tạo và đổi mới. Các hình thức huy động tiết kiệm ngày càng đa dạng và tiện ích phù hợp với nhu cầu của người dân, từ các hình thức tiết kiệm thông thường (không kỳ hạn, có kỳ hạn) đến các hình thức khuyến mại, gia tăng lợi ích cho khách hàng như: Tiết kiệm dành cho trẻ em, tiết kiệm dành cho cá nhân tích lũy trong tương lai, tiết kiệm hưu trí… Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã chủ động, tích cực hội nhập, tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, nhờ vậy, khách hàng có thể gửi tiết kiệm online thông qua internet banking, mobile banking thay vì giao dịch trực tiếp tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho nguồn tiền gửi tiết kiệm cũng luôn là quan tâm hàng đầu của Chính phủ và NHNN. Luật pháp quy định việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi và các tổ chức này nộp phí bảo hiểm tiền gửi ở mức 0,15% số dư bình quân tiền gửi. Thông qua đó, mỗi người dân khi gửi tiền vào tổ chức tín dụng, được bảo hiểm với hạn mức tối đa 125 triệu đồng.

Bảo hiểm tiền gửi được coi là "lá chắn thép" giúp bảo vệ các khoản tiền gửi của người dân. Theo Luật bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới nhiều hình thức khác nhau như tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy chính sách bảo hiểm tiền gửi đáp ứng và có khả năng bảo vệ được hầu hết người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn - hình thức gửi tiền thông dụng và được sử dụng nhiều nhất hiện nay cũng được bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, người sử dụng thẻ ngân hàng hay tài khoản ngân hàng thông thường cũng chính là người gửi tiền với tiền gửi không kỳ hạn. Loại hình này không giới hạn thời gian gửi và số dư trong tài khoản.

Hiện nay, phần lớn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều mở tài khoản ngân hàng cho cán bộ, nhân viên, người lao động để thực hiện trả lương qua tài khoản. Đây vừa là phương thức hiện đại, thuận tiện cho người lao động, vừa là một hình thức an sinh, giúp tiền lương của người lao động được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi. Đến thời điểm hiện tại, ở nước ta, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng là 66%. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 11% từ năm 2015-2021, đồng nghĩa với vai trò và trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của người dân đang ngày một gia tăng.

Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, cần những công cụ thanh toán phù hợp, ví điện tử được kỳ vọng giúp người mua và người bán kết nối nhanh chóng với nhau. Những năm qua, tại Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt các công ty công nghệ tài chính, tạo ra một khái niệm tiêu dùng mới là ví điện tử, đơn cử như: Momo, ZaloPay, AirPay, Payoo… Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 9/5/2022, có 48 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đến cuối tháng 3/2022, tổng số ví điện tử đã kích hoạt là khoảng 39,19 triệu ví (tăng 3,68% so với thời điểm cuối năm 2021). Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử của các tổ chức được xử lý thành công đạt xấp xỉ 584 triệu món với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 271 nghìn tỷ đồng (tăng gần 46% về số lượng và gần 106% về giá trị). Điều này cho thấy, ví điện tử đang là phương thức thanh toán phổ biến, được nhiều người dân ưa chuộng sử dụng.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi đã được chuyển từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử để sử dụng cho giao dịch không phải là tiền gửi được bảo hiểm.

Cụ thể, Điều 18, Luật bảo hiểm tiền gửi quy định “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”. Đó là “1. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó. 2. Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó. 3. Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành”.

Khoản 3 Điều 4 Luật bảo hiểm tiền gửi cũng quy định, “tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của các nhân”. Do đó, các công ty công nghệ tài chính cũng không phải là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Bên cạnh đó, Luật bảo hiểm tiền gửi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”. Vì vậy, còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với các hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước…

Theo khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế năm 2014 về mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính, tổ chức bảo hiểm tiền gửi nên phối hợp với các cơ quan giám sát và thành viên của mạng an toàn tài chính, mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các giấy tờ có giá giống như tiền gửi. Do đó, hệ thống văn bản pháp lý về bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi. Cụ thể, tới đây khi sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi cần nghiên cứu xem xét bổ sung tiền ký quỹ, tiền gửi trong thẻ trả trước, tiền trong tài khoản ví điện tử (có thể giới hạn đối tượng chủ tài khoản) được bảo hiểm tiền gửi để thích ứng với bối cảnh tài chính và xu hướng tiêu dùng mới của người dân.