Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1%

Anh Minh

Năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1% so với năm 2021; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.

Năm 2023, dự kiến tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022.
Năm 2023, dự kiến tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022.

Năm 2022, mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm đều duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 cho thấy, năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1% so với năm 2021; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.

Nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023; Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2015/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư gồm: Thông tư số 14/2022/TT-BTC ngày 28/2/2022; Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022; Thông tư số 70/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022. Đồng thời, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng khoảng 15% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo an toàn hệ thống; phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm.

Trong quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý, giám sát thị trường theo phương thức giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.

 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng (tăng 14,5% so với năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117.229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng (tăng 3,83% so với năm 2021), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.392 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 125.422 tỷ đồng...