Phát triển thị trường bảo hiểm theo hướng bền vững, hài hòa lợi ích các bên tham gia
Thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam thời gian qua có tốc độ phát triển khá nhanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát triển TTBH Việt Nam theo hướng hiện đại, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
Hoàn thiện, lớn mạnh về cả quy mô, số lượng và chất lượng
Thời gian qua, TTBH đã không ngừng hoàn thiện và lớn mạnh cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và chất lượng sản phẩm dịch vụ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội như: góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế; góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ...
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, tại thị trường có tổng số 78 DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Số lượng văn phòng đại diện của DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 18 văn phòng.
Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH được nâng cao, hầu hết các DNBH đã xây dựng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, từng bước chuẩn hoá các khâu trong hoạt động kinh doanh. Nhiều DNBH đã tổ chức được hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh và công tác quản trị, điều hành.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của TTBH ước đạt 798.784 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tổng tài sản của DNBH phi nhân thọ ước đạt 110.601 tỷ đồng, tổng tài sản của DNBH nhân thọ ước đạt 688.183 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng tài sản của TTBH giai đoạn 2016 - 2022 ước đạt 22%/năm.
Theo thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đến hết tháng 10/2022, tổng số tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm cả thị trường ước đạt 44.632 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân số tiền chi trả bồi thường và trả tiền bảo hiểm giai đoạn 2016 - 2022 đạt 16,5%/năm, góp phần ổn định tài chính cho các tổ chức, cá nhân khi gặp rủi ro, không cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, các sản phẩm bảo hiểm ngày càng được phát triển về số lượng và chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Hiện nay, TTBH có khoảng 2.884 sản phẩm bảo hiểm phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Một số sản phẩm có tính an sinh xã hội cao như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm hưu trí... đã đạt những kết quả bước đầu, ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, chất lượng và tính chuyên nghiệp của kênh phân phối đại lý cũng được chú trọng và nâng cao. Tiến hành rà soát lại hệ thống đại lý và nâng cao điều kiện tuyển dụng, nâng hạng đại lý, chất lượng đào tạo đại lý, từ đó hạn chế tình trạng đại lý mạo danh, đại lý hoạt động mà không được đào tạo, không có chứng chỉ. Bên cạnh kênh đại lý truyền thống, các kênh phân phối mới như bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), bán hàng qua điện thoại, qua hệ thống bưu điện... đã được các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển.
Thêm giải pháp phát triển bền vững TTBH
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, thời gian qua, để TTBH Việt Nam tăng trưởng cao, an toàn và hiệu quả, đảm bảo các yếu tố nền tảng cho tiếp tục phát triển bền vững, hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, giám sát bảo hiểm đã không ngừng được hoàn thiện, đồng bộ với các cam kết của Việt Nam và hệ thống pháp luật có liên quan, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã điều chỉnh tương đối toàn diện các vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với thực tiễn và tạo lập được hành lang pháp lý vững chắc, góp phần thúc đẩy TTBH phát triển.
Đặc biệt, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 thay thế Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2010 và 2019) với nhiều điểm mới, kỳ vọng sẽ hỗ trợ TTBH Việt Nam phát triển bền vững hơn về cả quy mô và chất lượng.
Cùng với đó, để tiếp tục hỗ trợ TTBH phát triển, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, cần khẩn trương nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các DNBH trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp và công khai minh bạch của DNBH. Thúc đẩy các doanh nghiệp đủ năng lực và có nhu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán; thúc đẩy các DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm đủ điều kiện thực hiện xếp hạng tín dụng. Nhờ đó, phát triển các DNBH có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành tiếp cận chuẩn mực quốc tế, gia tăng sức cạnh tranh, đảm bảo tính an toàn hệ thống, bền vững và hiệu quả của TTBH.
Khuyến khích DNBH phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân. Nhà nước có cơ chế khuyến khích để phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí...
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho việc tham gia bảo hiểm; Tạo điều kiện, hành lang pháp lý để các DNBH thử nghiệm và phát triển đa dạng các kênh phân phối, nhất là các kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối.
Đặc biệt, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực bảo hiểm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho TTBH, phục vụ công tác quản lý giám sát, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh...