Hoài nghi sự nhân nhượng và những nhập nhèm về nợ xấu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Một cách gián tiếp, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận có tình trạng nhập nhèm về nợ xấu trong hai năm qua, một phần do hạn chế của cơ chế...

Hoài nghi sự nhân nhượng và những nhập nhèm về nợ xấu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ 1/6 này, Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực.

Sớm hơn, một nội dung trong Thông tư 09 với ảnh hưởng sâu rộng tới các ngân hàng, doanh nghiệp và nợ xấu đã có hiệu lực từ ngày 20/3/2014. Vì đây là sự nối tiếp của cơ chế cho phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm.

Ba hạn chế của sự nhân nhượng

Cơ chế cho phép cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm là liều thuốc “cải tử hoàn sinh” cho nhiều doanh nghiệp suốt hai năm qua, cũng như với nợ xấu. Không trả được nợ, đáng lẽ một phần sẽ trở thành nợ xấu, nhưng với cơ chế này, doanh nghiệp và khoản nợ liên quan vẫn không xấu.

Cụ thể, ngày 23/4/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu. Đây được xem là một trong các giải pháp quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ; một giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Bên cạnh giá trị của một giải pháp như trên, Quyết định 780 cũng tạo ra một sự nhân nhượng dẫn tới tình trạng nhập nhèm trong việc nhận diện nợ xấu. Với mức độ khoảng 300 nghìn tỷ đồng các khoản nợ được cơ cấu lại tính đến cuối 2013 (chiếm gần 10% tổng dư nợ toàn hệ thống), một cấu phần đáng kể là nợ xấu nhưng đã không được gọi đúng tên.

Mặc dù doanh nghiệp có cơ hội để hồi sinh từ tái cơ cấu lại nợ, nhưng khi không được gọi đúng tên, tình trạng nợ xấu dường như không được lột tả một cách đầy đủ, các khoản chi phí trích lập liên quan của các tổ chức tín dụng theo đó cũng có thể nhập nhèm. Dĩ nhiên là Ngân hàng Nhà nước thấy rõ điều đó.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri Bắc Kạn công bố trước thềm kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận Quyết định 780 và cơ chế cho cơ cấu lại nợ nói trên có ba điểm hạn chế cần xử lý.

Thứ nhất, có nhiều tổ chức tín dụng đánh giá chưa chính xác chất lượng khoản vay để giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện Quyết định 780 sẽ dẫn đến phản ánh sai lệch kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng, không thúc đẩy tổ chức tín dụng tái cơ cấu và chủ động xử lý nợ xấu một cách quyết liệt.

Thứ hai, một số tổ chức tín dụng đã lạm dụng Quyết định 780 để quay vòng gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhiều lần, gây cản trở quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Thứ ba, việc tiếp tục thực hiện Quyết định 780 sẽ tác động không thuận lợi đến việc bán nợ của tổ chức tín dụng cho VAMC; ảnh hưởng nhất định đến kết quả và kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước khi thanh tra các tổ chức tín dụng do chất lượng tín dụng, tình hình tài chính của tổ chức tín dụng không được phản ánh đúng bản chất.

Thế nên, trong Thông tư 09 nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã khép lại với quy định: khoản nợ cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm chỉ được thực hiện 1 lần, nếu sau khi cơ cấu mà vẫn không trả được sẽ buộc phải chuyển nhóm.

Tuy nhiên, cơ chế của Quyết định 780 vẫn còn, khi được chuyển tiếp vào trong Thông tư 09 và còn kéo dài áp dụng thêm một năm nữa, đến 1/4/2015.

Đã có hoài nghi?

Cũng trong tài liệu công bố trước thềm kỳ họp Quốc hội lần này, đã có những câu hỏi hoài nghi về kết quả triển khai đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cử tri Long An lo lắng: liệu đề án có đạt được những mục tiêu đề ra hay không?

Trên thực tế, sau khi giảm mạnh trong tháng 12/2013 do các tổ chức tín dụng dồn dập bán lại nợ xấu cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu đầu năm nay lại có xu hướng tăng lên. Mặt khác, khoảng 45 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã bán lại cho VAMC vẫn nằm đó, nhưng lại không bị tính vào rổ chung để có tỷ lệ nợ xấu rõ ràng. Báo cáo tài chính quý 1/2014 của nhiều ngân hàng thương mại vừa công bố cũng cho thấy xu hướng tăng lên của nợ xấu… Sự hoài nghi về hiệu quả của các giải pháp xử lý triển khai thời gian qua là có cơ sở.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước lại nhìn nhận khác và tiếp tục khẳng định niềm tin trong thực hiện.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, cơ quan này và các tổ chức tín dụng đã, đang và sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu thuộc phạm vi trách nhiệm được giao như cơ cấu lại nợ; tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh; xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; xử lý nợ xấu qua VAMC; tăng cường chất lượng tín dụng; hạn chế nợ xấu gia tăng; hoàn thiện cơ chế, chính sách… Và dự kiến, tổng số nợ xấu được xử lý qua VAMC chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

“Những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng”, Ngân hàng Nhà nước tự đánh giá.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh chậm phục hồi, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chỉ bằng các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng nói trên thì chưa bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng được xử lý một cách vững chắc, triệt để, đồng thời ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại.

Và Ngân hàng Nhà nước vẫn tin tưởng sẽ thành công trong mục tiêu xử lý nợ xấu, nếu các giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, quyết liệt và với sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức tín dụng và cả phía khách hàng vay vốn.

Đó là sự quyết tâm và niềm tin của Ngân hàng Nhà nước. Còn phía trước, Thông tư 02 và Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung đã bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đặc biệt từ năm 2015, khi các cơ chế nhân nhượng dần gỡ bỏ, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng chặt chẽ hơn, áp lực gia tăng nợ xấu được dự báo là rất lớn. Mục tiêu hạ được tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3% một cách sát thực theo đó sẽ vẫn còn xa.