Hoãn siết tín dụng bất động sản: Nên không?
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị “hoãn” siết tín dụng bất động sản, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái về việc sẽ giám sát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực này.
Động thái này xảy ra vào những tháng cuối năm - giai đoạn giới đầu tư kỳ vọng thị trường khởi sắc ở mức cao, do đó, nhiều ý kiến đồng tình với một chính sách tín dụng thận trọng.
Không nên nhượng bộ
Cuối tuần qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và NHNN về việc chưa nên áp dụng quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.
Trong khi đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, một lần nữa Chính phủ yêu cầu các TCTD kiểm soát dòng chảy tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.
Bình luận về kiến nghị này của HoREA, PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm: “NHNN không nên nhượng bộ trước lời đề nghị này của HoREA, bởi vì bước đi này trong chính sách tiền tệ của NHNN là hết sức đúng đắn, cần thiết và kịp thời để bảo đảm tăng trưởng tín dụng có tính tích cực cho nền kinh tế. Điều này có nghĩa là, hệ thống ngân hàng cần và nên bơm tiền cho nền kinh tế một cách hài hòa, bảo đảm đồng tiền đi vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung ứng vốn cho các động lực tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng nhấn mạnh, việc hạn chế tín dụng bất động sản không có nghĩa là phủ nhận vai trò của thị trường này trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng liên tục và có tình trạng thừa cung khi nhiều cao ốc được xây dựng mà không có người ở.
“Tình trạng này tiếp diễn có thể dẫn đến bong bóng bất động sản, từ đó gây ra bong bóng trên nhiều lĩnh vực khác và hệ lụy hơn nữa là lạm phát rất cao cho nền kinh tế”, ông Bảo đưa ra cảnh báo và nói thêm: “Mặt khác, việc siết tín dụng ở mức không quá mạnh như đã và đang làm là cần thiết để bảo đảm các ngân hàng có thể cơ cấu lại nguồn vốn của mình trong các dự án cho vay lẫn huy động theo hướng vừa bảo đảm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế vừa hạn chế tối đa rủi ro hệ thống”.
Cảnh báo kịp thời
Bình luận về các động thái của NHNN với tín dụng bất động sản, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn phải có cơ sở và lập luận khoa học trước khi đưa ra các thông điệp chính sách này.
Về kiến nghị của HoREA, theo ông Chung, con số 5 điểm phần trăm (từ 45% xuống 40%) giảm tín dụng đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như vậy là không quá lớn dù khó có thể tính toán một cách cụ thể. Bởi lẽ, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ có tỷ trọng nhỏ trong tổng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại trong nền kinh tế.
Mặt khác, ở thời điểm cuối năm, xét về cả lý luận lẫn thực tiễn đều cho thấy nhu cầu tín dụng bất động sản của cả cá nhân và doanh nghiệp đều tăng. Do đó, việc cơ quan điều hành có tín hiệu điều tiết sẽ là điều không thuận cho thị trường bất động sản.
“Đây là thông điệp mang tính cảnh báo rõ ràng của NHNN với các TCTD về việc điều tiết tín dụng bất động sản. “Van” tín dụng của thị trường này không thể mở rộng mãi sau khi thị trường đã có 3 năm (2015 - 2017) tăng trưởng liên tục và có thể đang ở mức đỉnh vào năm nay. Do đó, thị trường cần đến giai đoạn tự điều chỉnh khi dòng vốn chủ lực có dấu hiệu giảm”, ông Chung nói.
Từ khía cạnh khác, ông Chung cho rằng, đợt điều chỉnh này có thể đẩy thị trường đến một giai đoạn phân hóa rõ rệt, bởi lẽ, tín dụng giảm trong khi có doanh nghiệp đã hoàn thiện dự án và có doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu. Hai giai đoạn khác biệt này có thể mang lại hai kết quả kinh doanh hoàn toàn khác nhau và tùy thuộc vào khả năng xoay chuyển tình thế của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
“Nhà điều hành đã có kinh nghiệm với biến động trên các thị trường nhạy cảm và đã từng trải qua những giai đoạn rất cam go, do đó, các bước đi chính sách sẽ chủ động, kịp thời và hợp lý hơn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu như chúng tôi vẫn khó tiếp cận thông tin về số liệu dư nợ tín dụng và dư nợ tín dụng bất động sản. Đây là vấn đề về quyền tiếp cận thông tin, điều này cần được cải thiện để nhiều người có khả năng nghiên cứu và phân tích có thể đưa ra ý kiến xác đáng về cùng một vấn đề và mang tính cập nhật hơn”, ông Chung nhấn mạnh.