Hoàn thiện chính sách phát triển tài chính toàn diện, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

ThS. Trần Kim Anh - Ban Kinh tế Trung ương

Thời gian qua, Việt Nam đã, đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.

Hoạt động tài chính vi mô được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn.
Hoạt động tài chính vi mô được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn.

Bài viết đánh giá kết quả đạt được trong thực hiện tài chính toàn diện ở Việt Nam trong những năm qua, nhận diện một số tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp phát triển tài chính toàn diện trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, bức tranh kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến ngoạn mục. Việt Nam đã gia nhập đội ngũ những nước có thu nhập trung bình của thế giới từ năm 2010, với quy mô kinh tế đạt 5007,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 220 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2358 USD năm 2017. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm.

Cùng với đó, là tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm chung. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%. Dân số Việt Nam hiện tại là hơn 90 triệu người trong đó vẫn có 65% dân cư sống ở vùng nông thôn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 95% của cả nước; 97% trong tổng số doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện là 1 trong 25 quốc gia có 75% dân số không được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng; Chỉ khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay của ngân hàng (WB, 2014). Việt Nam đang thúc đẩy các hoạt động nhằm phát triển tài chính toàn diện thông qua việc các ngân hàng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, phát triển công nghệ, nhất là xu hướng tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mức độ bao phủ của hệ thống các tổ chức tín dụng đã phát triển mạnh trong những năm qua thông qua mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trải rộng khắp cả nước, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp. Đến năm 2017, hệ thống tài chính Việt Nam gồm 96 NHTM (gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trong đó gồm 7 NHTM nhà nước, Ngân hàng HTX; 02 ngân hàng chính sách và Ngân hàng phát triển; 28 Ngân hàng Thương mại cổ phần; 7 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 3 ngân hàng liên doanh; 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 50 văn phòng đại diện, 1.100 quỹ tín dụng, 16 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính; 160 tổ chức kinh doanh chứng khoán trong đó 81 công ty chứng khoán, 43 công ty quản lý quỹ, 28 quỹ đầu tư; 8 ngân hàng lưu ký; 690 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán;  61 doanh nghiệp bảo hiểm trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 17 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm, 01 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Tính đến hết tháng quý 3/2018, tổng cộng cả nước có 18.173 ATM, POS/EFTPOS/EDC là 294.503 Giá trị giao dịch qua ATM và POS tương ứng là 633.967 tỷ đồng và 117.887 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã phát hành tổng cộng hơn 147,3 triệu thẻ. Với số lượng giao dịch là 143.360 tỷ đồng. Các ngân hàng Việt Nam cũng cùng nhau phát triển mạnh kênh cung cấp dịch vụ qua Internetbanking và Mobile banking.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 20 tổ chức không phải là ngân hàng được triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ Ví điện tử, là một trong các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng bởi các công ty công nghệ thông tin và viễn thông tại Việt Nam. Giá trị giao dịch ví điện tử năm 2016 đã đạt 52,6 ngàn tỷ đồng.

Hoạt động tài chính vi mô được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn. Từ năm 2015, NHNN đã cho phép một số ngân hàng kết hợp với các đơn vị công nghệ thông tin, viễn thông triển khai thí điểm một số loại hình dịch vụ thanh toán hướng tới vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân. Việt Nam xác định mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô an toàn, bền vững hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội.

 Hiện nay, Việt Nam đã có 4 tổ chức tài chính vi mô chính thức được cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật các TCTD. Trong đó, các tổ chức chính thức bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Các tổ chức bán chính thức là 135, bao gồm các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các chương trình của các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam...

Các tổ chức phi chính thức bao gồm các nhóm dân cư, quỹ tương trợ, tổ tiết kiệm hay nói cách khác là tổ chức do một nhóm người đứng ra góp vốn cho vay luân phiên nhau để giải quyết khó khăn kinh tế.

Hoạt động TCVM với đặc điểm là các dịch vụ tiết kiệm hoặc khoản vay tín dụng nhỏ, không cần tài sản thế chấp và dịch vụ cung cấp phục vụ tận thôn xóm, thủ tục nhanh gọn, kịp thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể. Dịch vụ chủ yếu cung cấp cho những người dân nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các vùng còn nghèo của đất nước để phát triển kinh tế gia đình.

Một số tồn tại, hạn chế

Phát triển tài chính toàn diện ở nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Thứ nhất, mức độ phát triển của thị trường vốn Việt Nam còn thấp khiến doanh nghiệp khó chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Sự mất cân đối giữa thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển là điểm bất lợi lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân…

Thứ hai, hệ thống tài chính không chính thức chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tài chính không chính thức tại Việt Nam xuất phát từ các nguồn vốn vay mượn từ gia đình, bà con, bạn bè, tín dụng đen, họ (hụi, phường), vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp, cửa hàng cầm đồ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng do vốn thực chỉ chiếm khoảng 20-30%, muốn vay ngân hàng rất khó vì bản thân doanh nghiệp thiếu minh bạch, do đó họ tìm đến nguồn vốn tín dụng phi chính thức. Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam còn manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vứng hoạt động và tài chính của các tổ chức tài chính vi mô chưa cao nhất là khuôn khổ pháp lý chưa toàn diện, thống nhất…

Thứ ba, cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện để phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như đánh giá việc triển khai thực hiện.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu và chưa được kết nối đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin (thông tin tín dụng, hệ thống định danh…). Mạng lưới giao dịch của các ngân hàng tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, và hệ thống bán lẻ của Việt Nam vẫn đi sau nhiều quốc gia . trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn được tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp không ít trở ngại. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng IBPS do Ngân hàng Nhà nước vận hành đang đứng trước yêu cầu phải nâng cấp và hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của một nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, ngày càng hội nhập với hệ thống tài chính quốc tế.

Thứ năm, nhận thức chung của người dân về tài chính toàn diện chưa đầy đủ, kiến thức tài chính của người dân còn thấp, chưa nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng tài chính. Chưa có được một khung khổ pháp luật đảm bảo sự cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện ở Việt Nam, đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân. Chưa có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Người Việt vẫn coi tiền mặt là phương tiện thanh toán tiện lợi nhất khi thực hiện các giao dịch mua bán sản phẩm hay dịch vụ.

Một số gợi ý chính sách

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo cơ sở nền tảng cho phát triển tài chính toàn diện. Chính phủ cần tập trung nghiên cứu, xác định tầm nhìn, mục tiêu, trụ cột ưu tiên và kế hoạch hành động để hoàn thiện cơ chế chính sách khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển kênh đại lý ủy thác thanh toán để tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là đối tượng người có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa. Xây dựng, ban hành và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính để từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng tài chính thông qua công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngăn ngừa và xử lý các cuộc tranh chấp và kiện tụng liên quan đến dịch vụ/sản phẩm tài chính theo cách thức tiến gần với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Hai là, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như minh bạch thông tin đối với các tổ chức tín dụng. Chủ động phát triển các dịch vụ tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh tiến trình tài chính toàn diện trong nước và bắt kịp xu hướng các nước trên thế giới. Phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua Internet (mạng trực tuyến), điện thoại di động, thông qua việc cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng, theo đó, đại lý bán lẻ phi ngân hàng sẽ đại diện ngân hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đóng vai trò đầu mối và dẫn đầu trong việc thực hiện chương trình hành động tài chính toàn diện ở phạm vi quốc gia. trong đó phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách, các tổ chức công nghệ tài chính…

Bốn là, tài chính toàn diện đầy đủ là mục tiêu bao trùm, liên quan đến tất cả các ngành và lĩnh vực, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của toàn hệ thống chính trị, do đó cần có sự tham gia và phối hợp của tất cả các Bộ, ngành, sự tham gia của toàn xã hội và người dân, nhất là các Tổ chức tín dụng.

Năm là, công nghệ có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thư tư đang diễn ra mạnh mẽ. Điều quan trọng là phải có được một hành lang pháp lý đồng hành với sự phát triển của công nghệ và bảo về người tiêu dùng hướng tới thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Sáu là, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Chính phủ trong phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Mối qua hệ hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ tạo điều kiện cho công nghệ số được áp dụng thành công trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. ADB, Tài chính toàn diện trong Nền Kinh tế Kỹ thuật số, 2016;
2.Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, XI, XI, XII;
3. Niên giám Tổng Cục Thống kê 2017;
4. World Bank, 2014, E-andM- Commerce and Payment Sector Development in Vietnam;
5. Website Ngân hàng Nhà nước Việt nam -http:/www.sbv.gov.vn;
6. http://www/worldbank.org/en.topic/ financialinclusion/overview.