Hoàn thiện chính sách thuế để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước
Việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế hiện nay là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong bối cảnh nguồn thu NSNN giảm do thực hiện các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thực tế tại các quốc gia trong khu vực và quốc tế cho thấy, cùng với việc thực hiện giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư, kinh doanh thì trong những năm gần đây xu hướng chung của các nước là tăng thuế suất phổ thông và mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách. Nhiều quốc gia cũng tăng thuế suất nhằm tạo nguồn thu để giải quyết bài toán nợ công.
Chẳng hạn, trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc EU, thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế gia trị gia tăng. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông thuế gia trị gia tăng bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22%. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% nhằm tăng nguồn thu mỗi năm khoảng 8.000 tỷ Yên bù đắp cho ngân sách quốc gia, góp phần giảm nợ công.
Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó đặt ra mục tiêu cơ cấu lại NSNN theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung cơ cấu lại nguồn thu; Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; Tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở kết quả rà soát các luật thuế hiện hành, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4191/BTC-CST ngày 30/3/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành, gồm có Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên.
Ngày 19/4/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3964/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên để trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo đó dự án Luật này được giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong quý III/2017.