Thấy gì từ xu thế cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt tại các nước?

PV.

Khảo sát về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ở các nước trên thế giới cho thấy, xu thế chung về cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá, các sản phẩm đồ uống có cồn và các sản phẩm dầu mỏ.

Ô tô là mặt hàng được nhiều nước trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nguồn: Internet
Ô tô là mặt hàng được nhiều nước trên thế giới đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Nguồn: Internet

Kết quả khảo sát cho thấy, đối tượng hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có sự khác biệt tương đối lớn giữa các nước, nhóm nước, tùy thuộc vào phong tục, tập quán, lối sống và văn hóa của mỗi quốc gia.

Tại các quốc gia châu Á (Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia), số lượng nhóm các loại hàng hóa dịch vụ chịu thuế TTĐB là khá nhiều. Đáng chú ý, các nhóm hàng hóa hay dịch vụ chịu thuế có sự khác biệt khá lớn giữa các nước. Tuy nhiên, có 4 nhóm hàng hóa cơ bản mà pháp luật thuế TTĐB ở hầu hết các nước quy định là đối tượng chịu thuế bao gồm: (i) Các sản phẩm thuốc lá; (ii) Các sản phẩm đồ uống có cồn (rượu, bia); (iii) Các sản phẩm dầu mỏ (xăng, dầu); (iv) Casino.

Bên cạnh đó, các mặt hàng cũng được nhiều nước đánh thuế TTĐB là ô tô (đặc biệt là ở các nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Đài Loan và tất cả các nước Đông Nam Á, các nước châu Âu thường đánh thuế xe dựa trên lượng khí thải CO2 thoát ra).

Nhiều nước đã và đang mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm hạn chế việc tiêu dùng một số loại hàng hóa mà theo quan điểm của họ là có hại cho sức khỏe hoặc nhà nước cần có sự điều tiết về tiêu dùng (như nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, sô-cô-la).

Một số nước áp dụng thuế TTĐB đối với nước hoa (như Philippines, Indonesia), mỹ phẩm (như Trung Quốc, Indonesia). Thậm chí có nước như Phần Lan áp dụng thuế TTĐB đối với kem, kẹo.

Cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB ở một số nước như sau:

Trung Quốc: 14 nhóm hàng hóa thuộc diện chịu thuế TTĐB bao gồm: Thuốc lá; đồ uống có cồn; mỹ phẩm; đồ trang sức và đá quý; pháo hoa; sản phẩm xăng dầu; lốp ô tô; xe máy; ô tô; bóng chơi gôn và dụng cụ chơi gôn; đồng hồ đeo tay cao cấp; thuyền sử dụng trong du thuyền, đũa gỗ dùng một lần; sàn gỗ.

Thái Lan: Theo Luật Thuế của nước này có 20 nhóm hàng hóa và dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB bao gồm: Dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ; nước ngọt có ga, nước khoáng nhân tạo, nước hoa quả nhân tạo...; thiết bị điện tử; sản phẩm bằng pha lê; ô tô; du thuyền; nước hoa và mỹ phẩm; thảm sàn và vật liệu trải sàn làm bằng lông động vật; xe máy; pin; sàn nhảy và hộp đêm; masage và tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ; các khóa học về đua ngựa; thu nhập từ hoạt động xổ số; dịch vụ viễn thông (hiện không thu); rượu, bia; thuốc lá; bài chơi poker...

So với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, Thái Lan là quốc gia có số lượng hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB khá nhiều. Cơ sở tính thuế TTĐB của Thái Lan là giá đã bao gồm thuế TTĐB và hiện nay Bộ Tài chính Thái Lan đang trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB hiện hành theo hướng giá tính thuế TTĐB là giá bán lẻ.

Indonesia: Các nhóm hàng hóa và dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB gồm: Nước hoa; sản phẩm mỹ phẩm cho da và tóc; thiết bị gia đình sang trọng sử dụng năng lượng điện, pin hoặc khí gas; các thiết bị chụp ảnh và điện ảnh, máy quay phim, máy ảnh kỹ thuật số; nhạc cụ; máy phát và thu; nhà sang trọng, căn hộ, chung cư cao tầng, tòa nhà…; đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay; thảm làm bằng vật liệu theo quy định; đồ uống có cồn, đồ uống có hương vị lên men; tàu, tàu thuyền và du thuyền; máy bay; súng, vũ khí, ngoại trừ sử dụng cho quốc gia...

Philippines: Các sản phẩm chịu thuế TTĐB ở nước này bao gồm: Rượu; sản phẩm thuốc lá các loại; dầu mỡ và các sản phẩm nhiên liệu khác; khoáng sản; đồ trang sức (kể cả hàng mỹ ký); ngọc trai, đá quý; nước hoa; du thuyền và tàu thuyền cho mục đích giải trí; sản phẩm từ khoáng sản; ô tô.

Campuchia: Gồm 10 nhóm hàng hóa và 2 nhóm dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB bao gồm: Nhiên liệu diesel; chất bôi trơn, dầu phanh, nguyên liệu sản xuất dầu động cơ; xe máy với công suất hơn 125cc; vé máy bay trong nước và quốc tế được bán tại Campuchia; nước ngọt có ga không cồn và tương tự; thuốc lá điếu; dịch vụ giải trí bao gồm Spa; dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế; săm, lốp xe ô tô; xì gà; bia (sản xuất trong nước); bia (nhập khẩu); rượu vang.

Pháp: Tương tự như nhiều nước phát triển, danh mục hàng hóa chịu thuế TTĐB ở Pháp bao gồm 3 nhóm chính: Rượu, bia; thuốc lá và sản phẩm xăng dầu. Từ ngày 01/01/2013, nước ngọt có ga được đưa vào diện chịu thuế TTĐB ở Pháp.

Như vậy, có thể nói, xu thế chung về cải cách thuế TTĐB ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là tăng thuế suất thuế TTĐB đối với 3 nhóm hàng hóa là các sản phẩm thuốc lá; các sản phẩm đồ uống có cồn; các sản phẩm dầu mỏ. Phương thức đánh thuế TTĐB ở các nước có sự khác biệt, song về cơ bản có 3 phương thức đánh thuế chủ yếu: (i) Áp dụng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; (ii) Áp dụng mức thu tuyệt đối; (iii) Áp dụng đồng thời cả thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thu tuyệt đối (phương thức hỗn hợp).