Xu hướng điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân tại các quốc gia trên thế giới

PV.

Trong những năm gần đây, việc điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tại các quốc gia trên thế giới được thực hiện theo các xu hướng chính như: Tăng thuế suất với thu nhập cao, giảm thuế suất với thu nhập thấp; Tăng ngưỡng thu nhập tính thuế; Áp dụng biểu thuế suất lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công; thu thuế với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng… Đó cũng là những xu hướng mà Việt Nam hướng đến nhằm cải cách đồng bộ hệ thống thuế, phù hợp thông lệ quốc tế.

Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng biểu thuế suất lũy tiến thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Nguồn: internet
Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng biểu thuế suất lũy tiến thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Nguồn: internet

Tăng thuế suất với thu nhập cao, giảm với thu nhập thấp

Chính sách này nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như đảm bảo chức năng phân phối thu nhập của hệ thống thuế. Năm 2017, Singapore đã sửa đổi chính sách thuế TNCN theo hướng tăng mức thuế suất lũy tiến đối với phần thu nhập chịu thuế cao, cụ thể: tăng mức thuế suất lũy tiến từ 17% lên 18% đối với mức thu nhập chịu thuế trong khoảng 160.000-200.000S$ và tăng từ 20% lên 22% đối với mức thu nhập chịu thuế từ 320.000S$ trở lên.

Bên cạnh đó, nước này cũng sửa đổi mức thuế suất áp dụng đối với khung thu nhập chịu thuế 200.000-320.000S$ (chịu các mức thuế suất lũy tiến là 19% đối với thu nhập từ 200.000 – 240.000S, 19,5% đối với thu nhập từ 240.000 - 280.000S$ và 20% đối với thu nhập từ 280.000 - 320.000S$ thay vì trước đây chỉ chịu một mức thuế suất là 18%).

Myanmar từ năm 2015 quy định biểu thuế suất thuế TNCN lũy tiến từ 3% - 30% (trước đó là 2% - 25%) và bổ sung thêm mức thu nhập chịu thuế đối với những người có thu nhập cao nhất (từ 1.500 triệu MMK trở lên) phải chịu mức thuế suất cao nhất là 30% (trước đó mức thuế suất cao nhất là 25%).

Philippin cũng đã thực hiện cải cách thuế TNCN theo hướng tăng thuế suất thuế TNCN đối với người có thu nhập cao (35% đối với thu nhập từ 5 triệu Peso/năm trở lên so với trước đây mức thuế suất cao nhất là 32% đối với thu nhập từ 6 triệu Peso/năm trở lên).

Luxembour bổ sung ngưỡng thu nhập chịu thuế và mức thuế suất tương ứng đối với từng ngưỡng thu nhập chịu thuế mới, vì vậy quy định về mức thuế suất thuế TNCN hiện nay là từ 8% đến 42% (trước đó từ 8% đến 40%).

Gần đây, Thái Lan nâng ngưỡng giảm trừ gia cảnh đối với (i) người phụ thuộc là vợ hoặc chồng không có thu nhập từ 30.000 lên 60.000THB, nếu vợ hoặc chồng có thu nhập chịu thuế thì khoản giảm trừ tối đa cho cả hai tăng từ 60.000 THB lên120.000THB; (ii) nâng ngưỡng giảm trừ đối với người phụ thuộc là con từ 15.000 THB /con (giới hạn số con là 03) lên 30.000 THB/con (không giới hạn số con), tuy nhiên hủy bỏ trợ cấp 2.000 THB cho mỗi con đến trường. Anh cũng nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 11.200 Bảng lên 11.500 Bảng trong năm 2017 – 2018.

Tăng ngưỡng thu nhập tính thuế

Tại Anh, ngưỡng thu nhập tính thuế TNCN chịu mức thuế suất 40% đã tăng từ 32.000 Bảng lên 33.500 Bảng trong năm 2017-18 (áp dụng từ 6/4/2017). Tại Thái Lan, chính sách thuế TNCN được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2017, theo đó nâng ngưỡng thu nhập chịu mức thuế cao nhất (35%) từ trên 4.000.000 THB lên trên 5.000.000 THB.

Năm 2017, Mỹ cũng đã tăng ngưỡng thu nhập tính thuế TNCN ở tất cả các bậc thuế suất, cụ thể tăng khung thuế (i) từ 9.275 USD lên 9.325 USD (thuế suất là 10%); (ii) từ 9.275 USD-37.650 USD lên 9.325 USD-37.950 USD (thuế suất là 15%); (iii) từ 37.650 USD-91.150 USD lên 37.950 USD-91.900 USD (thuế suất là 25%); (iv) từ 91.150 USD-190.150 USD lên 91.900 USD-191.650 USD (thuế suất là 28%); (v) từ 190.150 USD-413.350 USD lên 191.650 USD-416.700 USD (thuế suất là 33%); (vi) từ 413.350 USD-415.050 USD lên 416.700 USD-418.400 USD (thuế suất là 35%); (vii) từ 415.050 USD lên 418.400 USD trở đi (thuế suất là 39,6%).

Áp dụng biểu thuế suất lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công

Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng biểu thuế suất lũy tiến thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm thể hiện rõ những cá nhân có mức thu nhập cao hơn thì bị đánh thuế cao hơn so với những cá nhân có mức thu nhập thấp hơn. Cơ cấu biểu thuế một số nước như sau:

Tại Myanmar, đối với cá nhân người nước ngoài cư trú hoặc không cư trú có thu nhập từ (i) tiền lương, tiền công tại Myanmar chịu mức thuế suất thuế TNCN lũy tiến từ 1% đến 25%; (ii) hoạt động chuyển nhượng chịu mức thuế suất thuế TNCN là 10%; (iii) hoạt động cho thuê chịu mức thuế suất thuế TNCN là 10%.

Tại Singapore, theo quy định hiện hành thuế TNCN được đánh theo mức thuế lũy tiến từ 0% đến 22% (không đánh thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng tài sản hoặc thừa kế).

Tại Philippin, theo quy định hiện hành mức thuế suất thuế TNCN từ 5% đến 32% áp dụng đối với công dân thường trú, người nước ngoài cư trú và người nước ngoài không cư trú.

Tại Malaysia, thuế TNCN áp dụng cho tất cả các cá nhân cư trú và không cư trú có thu nhập phát sinh tại Ma-lay-xi-a. Đối với cá nhân cư trú sẽ chịu mức thuế suất thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từ 1% đến 28%.

Tại Mỹ, thuế suất lũy tiến thuế TNCN từ mức thấp nhất là 10% (thu nhập dưới 9.325 USD) đến mức cao nhất là 39,6% (thu nhập từ 418.400 USD trở lên).

Tại Hàn Quốc, thuế suất lũy tiến thuế TNCN từ 6% đến 40%. Riêng đối với người nước ngoài có thể chọn áp dụng mức thuế suất duy nhất là 19% đối với thu nhập phát sinh tại Hàn Quốc.

Mức thuế với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng

Thu nhập từ trúng thưởng bao gồm thu nhập từ các hoạt động như trò chơi casino, máy đánh bạc, Keno, Poker, xổ số, rút thăm trúng thưởng, Raffles, cá cược, đua ngựa/chó, lô tô… Với những quốc gia có thu thuế TNCN đối với thu nhập từ xổ số, mức thuế suất thuế TNCN rất khác biệt giữa các quốc gia.

Tại Mỹ, cá nhân chịu mức thuế suất là 25% đối với phần thu nhập từ trúng xổ số từ 5.000 USD trở lên và số thuế phải nộp được Chính phủ sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến khác nhau, Romania cũng áp mức thuế suất thuế TNCN 25%, Ba Lan là 10%, còn Hy Lạp quy định áp thuế suất thuế TNCN đối với tiền thưởng từ các trò chơi xổ số, các trò chơi ngẫu nhiên, cá cược bóng đá là 10%…

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về chính sách thuế TNCN của các nước trên thế giới, Bộ Tài chính Việt Nam đã xây dựng Dự án Luật sửa 5 Luật thuế, trong đó có Thuế TNCN nhằm thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế. Qua đó, góp phần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính cho biết, qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Thuế TNCN thời gian qua cho thấy, một số quy định tại Luật thuế TNCN hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Chưa có chính sách thuế phù hợp nhằm thu hút cá nhân là nhân lực công nghệ cao; chính sách thuế đối với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng...

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế.

Đồng thời, điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; cơ bản thống nhất mức thuế suất đối với thu nhập cùng loại hoạt động hoặc hoạt động tương tự đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân (doanh nghiệp); điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp.