Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020


30 năm qua, với tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từng bước ổn định, phát triển; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ gắn với hiện đại hoá và phát triển nguồn nhân lực. Qua đó khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính công. Trong mỗi giai đoạn phát triển của Kho bạc Nhà nước, việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực luôn được đặt vào vị trí đặc biệt, được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tạo nền móng thực hiện cải cách, đổi mới góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước.

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước (năm 2011).
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước (năm 2011).

Kho bạc Nhà nước không ngừng hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ

Hệ thống Kho bạc Nhà nước được tái thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 01/4/1990 với các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu như quản lý quỹ ngân sách nhà nước, huy động và quản lý các nguồn vốn vay và trả nợ dân và tổ chức công tác kế toán ngân sách nhà nước.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế, xã hội của đất nước do Đảng và Nhà nước đề ra, từ khi tái thành lập đến nay, Kho bạc Nhà nước đã có 04 lần sửa đổi, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ do Chính phủ, Bộ Tài chính giao, cụ thể:

- Ngày 05/4/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/CP hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Chức năng, nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước của hệ thống Kho bạc Nhà nước có sự phát triển mang tính bước ngoặt về chất cùng với sự ra đời của Luật Ngân sách nhà nước năm 1996 có hiệu lực từ năm ngân sách 1997.

- Ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng cơ bản là: Quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Giai đoạn này, việc sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu và quy định mới của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, có hiệu lực từ năm ngân sách 2004.

- Ngày 26/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, bên cạnh các chức năng đã có, Kho bạc Nhà nước được giao thực hiện thêm các chức năng quản lý ngân quỹ và chức năng tổng kế toán nhà nước.

- Ngày 08/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Chức năng, nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước được bổ sung nhóm nhiệm vụ về tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước và cụ thể hóa nhóm nhiệm vụ để thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước.

Có thể thấy, với chức năng, nhiệm vụ ngày càng hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn hội nhập, phát triển và hiện đại hóa, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã khẳng định vị thế không thể thiếu được trong nền tài chính công góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ động kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả 

Ngay từ khi mới thành lập, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính đến cấp huyện, phù hợp với tổ chức bộ máy của nền hành chính nhà nước và tổ chức của hệ thống chính trị ở Việt Nam.

- Giai đoạn từ tháng 01/1990 đến tháng 3/1995: Tại Kho bạc Nhà nước (giai đoạn này gọi là Cục Kho bạc Nhà nước) có 16 phòng chức năng; tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh (giai đoạn này gọi là Chi cục Kho bạc Nhà nước) có 07 phòng chức năng; tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện (giai đoạn này gọi là Chi nhánh Kho bạc Nhà nước) có 04 tổ nghiệp vụ.

- Giai đoạn từ tháng 4/1995 đến tháng 10/2003: Tại Kho bạc Nhà nước có 12 vụ chức năng (giảm 04 đơn vị so với giai đoạn trước), đổi tên từ phòng thành vụ; tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh có 08 phòng chức năng (tăng 01 phòng so với giai đoạn trước); tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện vẫn giữ nguyên 04 đơn vị nghiệp vụ nhưng đổi tên từ tổ sang bộ phận; lúc này không gọi là điểm thu như giai đoạn trước mà được gọi là điểm giao dịch.

- Giai đoạn từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2009: Tại Kho bạc Nhà nước có 13 ban (tăng 01 đơn vị so với giai đoạn trước), đổi tên từ vụ thành ban, trong đó có 03 đơn vị sự nghiệp; tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh và Kho bạc Nhà nước cấp huyện vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức như giai đoạn từ tháng 4/1995 đến tháng 10/2003.

- Giai đoạn từ tháng 10/2009 đến tháng 9/2015: Tại Kho bạc Nhà nước có 15 đơn vị (tăng 02 đơn vị so với giai đoạn trước), đổi tên từ ban thành vụ, trong đó có 12 đơn vị hành chính, 02 đơn vị sự nghiệp;  01 Văn phòng Ban Triển khai Tabmis; tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh mỗi đơn vị có 10 phòng chức năng (tăng 02 phòng so với giai đoạn trước); tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện chỉ còn 03 tổ nghiệp vụ. Đối với những địa bàn có hoạt động giao dịch lớn, duy trì các điểm giao dịch thường xuyên trong trụ sở; điểm giao dịch thường xuyên, không thường xuyên ngoài trụ sở.

Như vậy, trong giai đoạn này, hệ thống Kho bạc Nhà nước có tổng số 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh được tổ chức thành 614 phòng và 666 Kho bạc Nhà nước cấp huyện với 1.998 cấp tổ.

- Giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2017: Tại Kho bạc Nhà nước có 14 đơn vị (giảm 01 đơn vị là Văn phòng Ban Triển khai Tabmis), trong đó có 12 đơn vị hành chính, 02 đơn vị sự nghiệp; tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh được tổ chức thành 491 phòng (giảm 123 phòng so với giai đoạn trước); tại 666 Kho bạc Nhà nước cấp huyện có 1.332 cấp tổ (giảm 666 tổ so với giai đoạn trước). Giai đoạn này, chỉ duy trì các điểm giao dịch thường xuyên ngoài trụ sở, giải thể các điểm giao dịch thường xuyên trong trụ sở và các điểm giao dịch không thường xuyên ngoài trụ sở.

- Giai đoạn từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018: Tại Kho bạc Nhà nước vẫn giữ nguyên 14 đơn vị như giai đoạn trước; tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh được tổ chức thành 489 phòng chức năng (giảm 02 phòng so với giai đoạn trước); tại 666 Kho bạc Nhà nước cấp huyện chỉ duy trì có 48 phòng (cấp tổ) thuộc Kho bạc Nhà nước quận trực thuộc Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, các Kho bạc Nhà nước cấp huyện còn lại làm việc theo chế độ chuyên viên.

- Giai đoạn từ tháng 6/2018 đến nay - giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Tại Kho bạc Nhà nước vẫn giữ nguyên 14 đơn vị như giai đoạn trước; tại 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh được tổ chức thành 318 phòng (giảm 43 Phòng Giao dịch và 128 phòng chức năng); tại 651 Kho bạc Nhà nước cấp huyện (giảm 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện so với giai đoạn trước) không tổ chức mô hình phòng, làm việc theo chế độ chuyên viên (giảm 48 phòng thuộc Kho bạc Nhà nước quận trực thuộc Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh).

Như vậy, với sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn hệ thống, Kho bạc Nhà nước đã chủ động kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Luôn coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao

Cùng với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cải cách quy trình nghiệp vụ gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý, hệ thống Kho bạc Nhà nước luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, thông qua việc thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn và kế hoạch cụ thể từng năm, kết hợp nhiều phương thức và hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức hệ thống.

Trong giai đoạn đầu thành lập và đi vào hoạt động, chất lượng đội ngũ công chức Kho bạc Nhà nước còn nhiều bất cập. Với tổng số gần 7.500 cán bộ, nhân viên từ hai ngành Tài chính và Ngân hàng chuyển sang Kho bạc Nhà nước, chỉ có 16,7% công chức có trình độ đại học trở lên, 43,3% có trình độ trung học, còn lại 40% chỉ mới đào tạo bậc sơ cấp hoặc chưa đào tạo về chuyên môn. Đến nay, đội ngũ công chức Kho bạc Nhà nước đang ngày càng được củng cố, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ công chức, viên chức đều có phẩm chất đạo đức tốt, có lập trường tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản, có trình độ tin học, ngoại ngữ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, có kiến thức pháp luật. Đến nay, có tới hơn 84,26% công chức, viên chức có trình độ đại học và trên đại học, trong đó, công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, trung cấp trở xuống chiếm 15,74%. Bên cạnh lớp thế hệ công chức Kho bạc đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó và cống hiến nhiều năm cho ngành, Kho bạc Nhà nước có một đội ngũ công chức trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chính quy, năng động, tự tin, có trình độ và kỹ năng khá chuyên nghiệp.

Có được đội ngũ cán bộ đạt chất lượng như vậy là do Kho bạc Nhà nước đã có quy trình đào tạo cán bộ thường xuyên và đều khắp thông qua các hình thức đào tạo dài hạn cho các cán bộ chuyên sâu; đào tạo ngắn hạn cho cán bộ đi luân chuyển; đào tạo tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng. Từ năm 2011 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã chủ động cử 2.160 công chức đi đào tạo đại học; 1.340 công chức đi đào tạo sau đại học; 3.400 công chức tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị; 5.200 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 2.490 công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý; 2.600 công chức mới tuyển dụng tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kho bạc; 1.700 công chức tham gia bồi dưỡng ngoại ngữ; 15.600 lượt công chức tham gia bồi dưỡng tin học.

Song song với đó, Kho bạc Nhà nước cũng khẩn trương triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thừa hành (kiểm ngân, thủ quỹ) để tạo điều kiện cho việc bố trí, sắp xếp lại nhân lực phù hợp với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ngoài việc cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, Kho bạc Nhà nước đã cử nhiều lượt công chức có trình độ chuyên môn cơ bản đi đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài về quản lý ngân quỹ, kế toán nhà nước, an toàn thông tin,... Sau khóa học, các công chức, viên chức đã vận dụng những kiến thức được học vào việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, trong đó nhiều trường hợp đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo phù hợp.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của công tác luân chuyển, điều động chính là một trong những hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có hiệu quả, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, thuộc đối tượng cán bộ nguồn, cán bộ thuộc diện quy hoạch. Kho bạc Nhà nước đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 NQ/BCSĐ ngày 10/10/2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về công tác luân chuyển, luân phiên, điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác gắn liền với công tác sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy ở cả 3 cấp, cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; từ công chức giữ chức vụ lãnh đạo đến công chức làm nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ; luân chuyển, điều động từ Kho bạc Nhà nước tỉnh này sang Kho bạc Nhà nước tỉnh khác, luân chuyển, điều động từ Trung ương về địa phương và ngược lại. Tính đến nay, đã có hàng chục lượt Giám đốc, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương, hàng ngàn lượt công chức là Trưởng phòng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước cấp huyện đã được luân chuyển, luân phiên để đào tạo, bồi dưỡng.

Cùng với việc luân chuyển, điều động công chức trong toàn hệ thống, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Theo đó, Kho bạc Nhà nước rà soát đưa ra khỏi biên chế những công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ, nhưng còn hạn chế về năng lực theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tính đến hết năm 2019, biên chế công chức của hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm được 1.155 người (đạt 7,4%) so với năm 2015 (đạt 74% kế hoạch đến năm 2021). Số trường hợp thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ 6 tháng cuối năm 2015 đến nay, tinh giản được gần 160 trường hợp do năng lực còn hạn chế, sức khỏe không đảm bảo (đạt tỷ lệ gần 66% so với kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021).

Mặt khác, Kho bạc Nhà nước còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển dụng đầu vào. Từ năm 2010 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức được 07 kỳ thi tuyển, xét tuyển, bổ sung gần 3000 công chức cho hệ thống Kho bạc Nhà nước. Về cơ bản nguồn công chức tuyển dụng mới đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng như bù đắp kịp thời cho số công chức giảm hàng năm trong hệ thống. Tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng với yêu cầu công việc cũng như từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống. Đối với ngạch nhân viên, Kho bạc Nhà nước đã hạn chế tối đa việc tuyển dụng mới nhằm tiếp tục sắp xếp khi đồng bộ triển khai hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ.

Với mục tiêu phát triển con người là toàn diện, Kho bạc Nhà nước đã triển khai tốt chế độ chính sách, kịp thời động viên, khích lệ công chức, viên chức trong toàn hệ thống yên tâm công tác, bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá, nâng lương, nâng ngạch, chuyển ngạch cho cán bộ, công chức đã được tiến hành thường xuyên, theo đúng quy trình và đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo quyền lợi chung của cán bộ.

Nhìn lại những năm qua, có thể khẳng định rằng, công tác xây dựng hệ thống Kho bạc Nhà nước với trọng tâm là kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý và quy trình nghiệp vụ đi đôi với phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có tính chuyên nghiệp cao đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện với tư duy sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính. Toàn thể công chức, viên chức hệ thống Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng nhau xây dựng và phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Bài viết đăng lại từ Kỷ yếu 30 năm Kho bạc Nhà nước Việt Nam (1990-2020): Tiếp nối truyền thống - Phát triển bền vững - Hướng tới tương lai