Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
Cụ thể, ngày 12/12/2013, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 28/6/2016, UBND Tỉnh ban hành Chương trình hành động số 06/CTr-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ngày 26/12/2016, Quyết định số 439/QĐ-UBND về Chương trình ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Nhằm hiện thực hóa những chủ trương trên của Tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các sở, ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tổ chức, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ như: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học để chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh và bảo tồn nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa, đặc sản, quý hiếm của Tỉnh; thực hiện đổi mới công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp mà Tỉnh có lợi thế.
Cùng với đó, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đầu tư thâm canh, cơ giới hóa các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng cam, chè, mía, lạc, và cây nguyên liệu giấy; Ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung áp dụng các thiết bị hiện đại tự động và bán tự động trong phát triển chăn nuôi hàng hóa, quy mô công nghiệp, tạo sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được sự chỉ đạo sát sao của các sở, ban ngành Tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh cũng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, điển hình như: Công ty cổ phần giấy An Hoà (sản xuất bột giấy và giấy; trồng rừng, kinh doanh các sản phẩm lâm nghiệp); Công ty cổ phần Woodland Tuyên Quang (sản xuất đồ gỗ nội thất, gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác); Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ (chăn nuôi ong)...
Cụ thể, Công ty cổ phần Giấy An Hòa được thành lập năm 2002 chủ yếu sản xuất giấy in, giấy photocopy, giấy viết, giấy tráng phấn, bột giấy... Hệ thống sản xuất bột giấy gồm 2 dây chuyền sản xuất giấy tráng phấn và bột giấy sợi ngắn. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 223 ha tại Tuyên Quang, với công suất 140.000 tấn/năm.
Hệ thống thiết bị của dây chuyền được đầu tư đồng bộ và hiện đại vào bậc nhất Việt Nam do các hãng lớn từ các nước G7 cung cấp như: Allimand của Pháp, Andritz của Đức và Thụy Sỹ, ABB của Pháp, Bielomatik của Italia, Metso của Thụy Điển.
Dây chuyền bột giấy có công suất 130.000 tấn/ năm/công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF), hệ thống thiết bị hiện đại, mới 100%, trong đó các thiết bị chính do hãng Metso sản xuất tại Thụy Điển và Phần Lan. Sản phẩm của Công ty đã đáp ứng thị trường một số quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh...
Những nỗ lực trong ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã giúp Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang trở thành một trong những doanh nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Những năm qua, Công ty đã từng bước khẳng định vị thế trong phát triển nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng.Thông qua nguồn vốn của doanh nghiệp và xã hội hóa trong giai đoạn 2015 - 2017 trên địa bàn Tỉnh có 16.478,5 ha rừng của các công ty lâm nghiệp và hộ gia đình được cấp chứng chỉ rừng FSC (theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới). Qua đó, góp phần tăng thêm giá trị gỗ rừng trồng từ 10 đến 15% so với tiêu thụ trong nước; rừng trồng có năng suất, sản lượng cao hơn với cách làm truyền thống; môi trường rừng được quản lý chặt chẽ và tăng cường mối liên kết trong cộng đồng giữa những người làm rừng.