Một số giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư
Giai đoạn gần đây, KTNN chuyên ngành IV thực hiện nhiều cuộc kiểm toán dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) bằng nguồn vốn NSNN, qua đó, đã phát hiện không ít sai phạm trong quá trình quản lý dự án và đã kiến nghị xử lý tài chính, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, hầu hết kết quả kiểm toán mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện sai phạm trong công tác dự toán, quản lý chi phí và những sai phạm nhỏ lẻ.
Công tác kiểm toán dự án đầu tư xây dựng bộc lộ nhiều hạn chế
Thực tế cho thấy, công tác kiểm toán đối với các dự án đầu tư xây dựng đã bộc lộ những hạn chế như sau:
Thứ nhất, việc lập kế hoạch kiểm toán, xác định trọng tâm kiểm toán còn dàn trải, số lượng trọng tâm kiểm toán quá nhiều, tương đương với nội dung kiểm toán dẫn đến quá trình thực hiện bị dàn trải, không hiệu quả.
Thứ hai, Đoàn kiểm toán chỉ thực hiện loại hình kiểm toán tuân thủ ở hầu hết các giai đoạn triển khai dự án. Cụ thể:
Đối với giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt dự án, Đoàn kiểm toán chỉ kiểm tra tuân thủ về sự đầy đủ của hồ sơ, tài liệu; tình hình chấp hành về trình tự, thủ tục và tính hợp lý, hợp pháp đối với hồ sơ, tài liệu của dự án. Nhiều nội dung chưa được Đoàn kiểm toán đánh giá như: sự hợp lý về quy mô, kết cấu và tính khoa học của các giải pháp thiết kế; về tổng mức đầu tư và khả năng huy động các nguồn lực để đầu tư; về thời gian cần thiết để đầu tư, phân kỳ đầu tư...
Đối với công tác thiết kế, dự toán, quá trình kiểm toán của KTNN chuyên ngành IV chỉ đánh giá tính tuân thủ về sự đầy đủ của hồ sơ, tài liệu; tình hình chấp hành về trình tự, thủ tục và tính hợp lý, hợp pháp đối với hồ sơ, tài liệu thiết kế, dự toán; kiểm toán về sự hợp lý, chính xác về số liệu dự toán.
Đối với công tác đấu thầu, các kiểm toán viên thường tập trung kiểm toán sự tuân thủ về trình tự, thủ tục trên cơ sở hồ sơ, tài liệu đấu thầu. Một số vấn đề khác chưa được kiểm toán sâu như: kiểm tra đánh giá về chất lượng hồ sơ mời thầu, tính khoa học, hợp lý của các nội dung được quy định chi tiết trong hồ sơ mời thầu và của thang điểm chấm thầu.
Đối với công tác quản lý thi công, nghiệm thu thanh toán, quá trình kiểm toán đã kiểm tra được một số nội dung như: đánh giá tính tuân thủ về công tác quản lý khối lượng, đơn giá, quản lý chất lượng và tiến độ thi công; kiểm tra sự chính xác về số liệu giá trị được nghiệm thu thanh toán. Tuy nhiên, nhiều nội dung quan trọng chưa đánh giá sâu như: kiểm tra, đánh giá về tính khoa học, hợp lý của biện pháp tổ chức thi công; kiểm tra đến tận cùng về nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ thi công để kiến nghị xử lý phù hợp.
Theo các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành IV, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do đặc thù phức tạp của lĩnh vực ĐTXD: các dự án, công trình thường thi công trong thời gian dài, liên quan đến nhiều niên độ; năng lực quản lý dự án của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư khác nhau... Trong khi đó, cơ chế tài chính, chế độ quản lý ĐTXD cơ bản có nhiều thay đổi, dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc xác định nội dung, đối tượng, phạm vi kiểm toán.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng công trình mang tính đặc thù có tính chất kết cấu đa dạng và phức tạp, quy mô và khối lượng thi công lớn. Quá trình quản lý thực hiện dự án, mức độ đạt được của từng mục tiêu trong mỗi dự án chịu rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, gây khó khăn cho quá trình thực hiện kiểm toán.
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng
Tư thực tiễn kiểm toán, Phòng Kiểm toán dự án đầu tư 1 (KTNN chuyên ngành IV) đã đúc kết một số giải pháp giúp nâng cao chất lượng kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng.
Một là, toàn Ngành và mỗi đơn vị quan tâm, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng kiểm toán dự án ĐTXD, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ chuyên môn cho các kiểm toán viên tham gia kiểm toán lĩnh vực này.
Hai là, khi khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán, Đoàn kiểm toán quan tâm bố trí kiểm toán viên có nhiều kinh nghiệm, nhiều hiểu biết về loại dự án khảo sát, biết phân tích đánh giá tổng hợp những thông tin thu thập. Kế hoạch kiểm toán thể hiện được đầy đủ thông tin về dự án, đơn vị được kiểm toán, trong đó xác định được rủi ro, trọng tâm kiểm toán, tránh trường hợp trọng tâm kiểm toán quá nhiều, dàn trải không hiệu quả.
Ba là, các chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng liên tục thay đổi, đặc biệt là đối với những dự án đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, do vậy, trước khi thực hiện kiểm toán, Đoàn kiểm toán cần phổ biến những thông tin về dự án, cụ thể: cập nhật lại quá trình thực hiện dự án, các thay đổi phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, các thay đổi về chính sách pháp luật liên quan đến dự án.
Bốn là, những năm gần đây, các dự án đầu tư từ nguồn NSNN thường được quản lý chặt chẽ, ít có sai sót về tuân thủ, chi phí đầu tư. Vì vậy, để kết quả kiểm toán đạt hiệu quả cao, các kiểm toán viên cần tập trung tìm tòi để có phát hiện mới, đặc biệt là những phát hiện trong kiểm toán tuân thủ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư.
Năm là, các thành viên Đoàn kiểm toán cần tuân thủ đúng kế hoạch kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán và các quy định chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, các quy định nghiệp vụ khác và pháp luật có liên quan. Quá trình thực hiện cần tập trung nhiều thời gian, trí lực vào các trọng tâm kiểm toán đã được xác định, thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp để làm cơ sở cho việc hình thành các ý kiến và kết luận kiểm toán.
Sáu là, báo cáo kiểm toán phải được lập trên cơ sở chuẩn mực kiểm toán và các quy định về hồ sơ mẫu biểu do KTNN ban hành, phản ánh đầy đủ thông tin, tình hình, kết quả kiểm toán. Các nội dung đánh giá về sai sót, hạn chế của đơn vị cần dẫn chứng đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và những đánh giá, phân tích phù hợp.
Bảy là, tăng cường công tác tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm qua mỗi cuộc kiểm toán, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho các cuộc kiểm toán khác.