Hoàn thiện công tác quản lý đầu tư xây dựng các dự án ngành Điện tại TP. Hồ Chí Minh

TS. Phạm Ngọc Dưỡng - Trường Đại học Tài chính – Marketing Nguyễn Minh Ấn - Ban Quản lý dự án lưới điện TP. Hồ Chí Minh - Học viên cao học Đại học Kinh tế Tài chính TP.Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Ban Quản lý dự án Lưới điện TP. Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình lưới điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Thực trạng quản lý dự án đầu tư xây dựng điện tại TP. Hồ Chí Minh

Quản lý dự án là quá trình lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các nguồn lực và công việc để đạt được các mục tiêu cụ thể của một dự án trong thời gian và ngân sách quy định (Anh, 2019). Theo đó, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án là đảm bảo các mục tiêu của dự án được hoàn thành đúng hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, trong phạm vi ngân sách đã được duyệt, công việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan và sử dụng các phương pháp và công cụ quản lý chuyên biệt.

Hàng năm, Ban Quản lý dự án Lưới điện TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận kế hoạch đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện các dự án lưới điện theo quyết định của Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, cụ thể là danh mục công trình, kế hoạch vốn, số lượng công trình khởi công, hoàn thành.

Giai đoạn chuẩn bị dự án

Hình 1: Lưu đồ quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý dự án lưới điện. Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Hình 1: Lưu đồ quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Ban Quản lý dự án lưới điện. Nguồn: Nghiên cứu của tác giả

Với các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các địa phương thường chưa bố trí đủ quỹ đất theo quy hoạch phát triển điện lực để đầu tư xây dựng các công trình điện. Do đó, Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện việc điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu vực liên quan đến các dự án theo quy định cho nên về việc bàn giao đất triển khai các dự án đầu tư xây dựng lưới điện thường bị kéo dài do quy trình, thủ tục quy định, thời gian thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất (trường hợp lý tưởng là 01 năm sau khi quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được Thành phố phê duyệt). Điều này làm cho thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư của dự án càng thêm kéo dài và đặc biệt khó khăn đối với các khu vực phụ tải đang phát triển tăng cao nhưng lại không được bố trí xây dựng trạm biến áp kịp thời.

Về việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến đường dây đấu nối cũng thường bị chậm tiến độ do quy định việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến phải tiến hành lần lượt, qua các cơ quan đơn vị hoặc phối hợp với nhiều sở/ban/ngành dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài.

Giai đoạn thực hiện dự án

Các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng (tham vấn cộng đồng, thỏa thuận tuyến, xin phép thi công, ký quỹ, chứng chỉ hành nghề tổ chức, cá nhân, chứng chỉ đấu thầu, chứng chỉ kiểm toán, giấy phép hoạt động điện lực, đăng ký hoạt động qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…) còn nhiều, chưa tinh giản, gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, gây kéo dài thời gian đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, các văn bản liên quan đến dự án thường xuyên thay đổi, bổ sung, chồng chéo nhau, gây khó khăn trong vận dụng, áp dụng.

Công tác bồi thường – giải phóng mặt bằng thường kéo dài do các thủ tục đền bù phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục giải quyết phức tạp, công tác phối hợp với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp đã hoàn tất các thủ tục và đền bù – giải phóng mặt bằng theo quy định nhưng người dân không đồng ý cho vào thi công và yêu cầu phải hỗ trợ với chi phí rất cao không hợp lý, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Công tác giám sát và kiểm tra chất lượng thi công còn thiếu chặt chẽ do lực lượng chuyên viên giám sát còn mỏng, một số nhà thầu giám sát thiếu kinh nghiệm hoặc không làm đúng trách nhiệm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Công tác an toàn thi công, an toàn lao động gặp nhiều khó khăn khi thi công ở các khu vực đông dân cư hoặc có nhiều công trình ngầm hiện hữu.

Quản lý chi phí cho đầu tư xây dựng công trình thực chất mới chỉ dừng lại ở mức độ đảm bảo kiểm soát theo đúng quy định nhưng chưa thể hiện đảm bảo được rằng những chi phí này được kiểm soát một cách tốt nhất, nguyên nhân chủ yếu do trong giai đoạn lập tổng dự toán, dự toán gói thầu các hạng mục công trình, phương pháp kiểm soát chưa thật tốt dẫn đến nhiều hạng mục phải điều chỉnh dự toán trong quá trình thi công do dự toán bị tính thiếu, tính sai.

Năng lực chuyên môn của nhân sự Ban Quản lý dự án chưa đồng đều, chưa vận dụng, khai thác tối đa hiệu quả các công cụ Ban Quản lý dự án như (phần mềm Microsoft Project, chương trình giám sát online, chương trình quản lý đầu tư xây dựng IMIS 2.0, chương trình tính toán thiết kế, lập dự toán...) chưa phân tích được các điểm mấu chốt đường Gantt tiến độ để điều chỉnh kịp thời. Sự phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý thiếu nhịp nhàng cũng dẫn đến chậm trễ tiến độ và phát sinh chi phí.

Giai đoạn kết thúc xây dựng

Quá trình nghiệm thu và bàn giao còn tốn nhiều thời gian do dự án điện là một trong những dự án đặc thù đòi hỏi tính chất an toàn cao, chỉ được nghiệm thu và bàn giao khi không còn bất kỳ tồn tại nào chưa được giải quyết nhưng thực tế quá trình kiểm tra nghiệm thu, vẫn phát hiện những sai sót cần phải sửa chữa, chữa khắc phục dẫn đến kéo dài thời gian.

Một số nhà thầu chưa thực hiện đúng yêu cầu về bàn giao hồ sơ thi công gây khó khăn cho việc trích xuất hồ sơ hoàn công dự án khi cần thiết, hoặc không bàn giao đầy đủ cho đơn vị quản lý vận hành làm kéo dài việc nghiệm thu bàn giao công trình.

Việc tổng hợp và xác nhận các chi phí phát sinh phức tạp và tốn nhiều thời gian, nhất là khi có nhiều công việc đã triển khai thực hiện trong giai đoạn thi công nhưng chỉ dừng lại ở bước trình chủ trương thực hiện, chưa trình phê duyệt dự toán phát sinh cũng như chưa ký kết phụ lục hợp đồng. Sự chậm trễ này dẫn đến việc thanh toán cho các nhà thầu và đơn vị liên quan gặp nhiều khó khăn.

Nhận xét đánh giá

Trong giai đoạn 2019 – 2023, tổng số dự án Ban Quản lý dự án Lưới điện TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành là 31 dự án lưới điện 220-110 kv với tổng chiều dài 155 km và tổng dung lượng trạm biến áp khoảng 1.294 MVA. Kết quả này giúp Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh có lưới điện phủ rộng khắp Thành phố bao gồm 126,58 km đường dây 220 kV và 5 trạm biến áp 220 kV, 764,26 km đường dây 110 kV và 68 trạm biến áp 110 kV, tổng dung lượng máy biến áp lắp đặt là 8.568 MVA, đã giảm số lần mất điện bình quân một khách hàng (SAIFI) từ 6 lần vào năm 2015 còn dưới 0,59 lần trong năm 2020 (tức giảm hơn 10 lần trong 5 năm), thời gian mất điện bình quân một khách hàng (SAIDI) giảm từ 720 phút vào năm 2015 còn dưới 44 phút trong năm 2020 (tức giảm hơn 16 lần trong 5 năm). Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Giai đoạn chuẩn bị dự án còn kéo dài do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Quản lý dự án lưới điện thành phố với các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức nơi các dự án lưới điện đang được triển khai thực hiện; Quá trình thực hiện dự án còn nhiều khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân, giám sát, thi công; Giai đoạn kết thúc xây dựng, hoàn công, bảo trì, đưa công trình vào sử dụng còn chậm trễ.

Một số giải pháp đề xuất

Về giai đoạn chuẩn bị dự án

Thứ nhất, ngành Điện TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, sở, ngành liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo đủ điều kiện trình phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000, 1/500 mà không phải làm đi làm lại nhiều lần.

Thứ hai, ngành Điện cần phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND TP. Thủ Đức, các quận, huyện để khi trình UBND Thành phố phương án đấu giá đất đối với các khu đất dự kiến sẽ đầu tư xây dựng các trạm biến áp theo Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, tránh phải làm đi làm lại nhiều lần, kéo dài thời gian chuẩn bị dự án.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành và địa phương để giải quyết nhanh công tác tham vấn cộng đồng, thỏa thuận vị trí, hướng tuyến đường dây đấu nối, thỏa thuận vị trí lắp đặt công trình điện.

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của tư vấn thiết kế trong việc lựa chọn địa điểm, hạn chế bồi thường giải phóng mặt bằng để giảm chi phí đầu tư cho các dự án.

Về giai đoạn thực hiện dự án

Thường xuyên rà soát các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị ban hành mới, hiệu chỉnh bổ sung để tạo sự đồng bộ, liền mạch nhằm giảm thiểu những tổn thất do các yếu tố pháp lý chưa đồng bộ gây ra cho dự án.

Rà soát kế hoạch 5 năm, thời kỳ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 10 năm của TP. Hồ Chí Minh để chủ động thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng từ 2 đến 3 năm trước khi khởi công.

Nâng cao trách nhiệm tư vấn trong việc đề xuất các giải pháp lựa chọn địa điểm, hạn chế bồi thường, xây dựng phương án tạm để đảm bảo cung cấp điện trong thời gian chờ duyệt thủ tục mặt bằng. Áp dụng công nghệ như camera giám sát công trường, mô hình thông tin công trình (BIM), khảo sát không ảnh và tổ chức họp trực tuyến qua các nền tảng như Zalo, Zoom để nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý trong quá trình thi công

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý dự án, đấu thầu, thẩm định dự án, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư.

Về giai đoạn kết thúc xây dựng

Cần có cẩm nang hướng dẫn nghiệm thu và quyết toán để nhà thầu thực hiện chính xác, kịp thời việc nghiệm thu cho từng giai đoạn.

Tổ chức họp hội đồng nghiệm cấp cơ sở và hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư đánh giá các hạng mục thi công trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.

Quy định rõ trong hợp đồng nguyên tắc bảo hành, bảo trì cho dự án. Thông qua quy trình bảo trì và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ sau khi dự án kết thúc để giải quyết những vấn đề phát sinh hoặc cung cấp thêm thông tin nếu cần thiết. Hồ sơ hoàn công cần được thực hiện chính xác và lưu trữ đúng quy định, đảm bảo rằng mọi tài liệu liên quan đều dễ dàng truy xuất khi cần thiết. Áp dụng số hóa cho toàn bộ hồ sơ hoàn công để được lưu trữ lâu dài.

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ, (2024). Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, ngày 30/7/2024, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
  2. Đinh Bá Hùng Anh (2019). Quản trị dự án. NXB Tài chính;
  3. Hà Thị Phương Thảo (2021), Luận án tiến sĩ, Ảnh hưởng của năng lực lãnh đạo của nhà quản lý dự án tới thành công dự án đầu tư xây dựng công trình ở Việt Nam;
  4. Nguyễn Thủy Lan (2016), Luận án tiến sĩ, Đổi mới quản lý dự án đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước tại các tổ chức khoa học công nghệ thuộc Chính phủ.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2024