Hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn xác định nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở

Đức Mạnh

Theo Bộ Tài chính, nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở bao gồm: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2023 (nếu có); Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023; Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.

Căn cứ số thực có mặt tại thời điểm 1/7/2023 trong phạm vi số biên chế được giao để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở
Căn cứ số thực có mặt tại thời điểm 1/7/2023 trong phạm vi số biên chế được giao để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

Theo đó, dự thảo thông tư quy định, tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2023 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt).

Bên cạnh đó, không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyển giao (hoặc phê duyệt) năm 2023; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật.

Dự thảo thông tư chỉ rõ, nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở căn cứ vào mức tiền lương cơ sở tăng thêm; hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ; hệ số phụ cấp lương theo chế độ quy định (không kể tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và các khoản phụ cấp được quy định bằng mức tuyệt đối tỷ lệ các khoản đóng góp theo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn). Trong đó, cách thức xác định mức lương, phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm do điều chỉnh mức lương cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách như sau: đóng bảo hiểm y tế cho thân nhân sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng; thân nhân công nhân và viên chức quốc phòng thuộc đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước bảo đảm; thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Bộ Công an và thân nhân người làm công tác cơ yếu; Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp theo quy định; hoạt động phí của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; hỗ trợ quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố theo mức khoán từ ngân sách nhà nước…

Liên quan đến quy định xác định nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, dự thảo thông tư nêu rõ một số nguồn như sau: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2023 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%; sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 được cấp có thẩm quyền giao.

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng quy định về phương thức chi trả kinh phí, các cán bộ, cơ quan Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn theo quy định để chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo đúng chế độ quy định.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguồn lớn hơn nhu cầu kinh phí, địa phương chủ động sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương, tiết kiệm 10% chi thường xuyên (phần giữ lại tập trung) để bổ sung nguồn kinh phí cho các đơn vị dự toán cùng cấp và cấp ngân sách trực thuộc còn thiếu nguồn...