Hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số
Những năm gần đây, đặc biệt dưới tác động của dịch COVID-19, việc phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng số đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế số, xã hội số, vấn đề phát triển hạ tầng số phải đi trước một bước. Trong đó, phát triển hạ tầng số cần hướng đến xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tại hội thảo “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế - xã hội trong tiến trình CNH, HĐH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các chuyên gia cho rằng, hạ tầng số (hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng kết nối, hạ tầng Internet vạn vật - IoT) có vai trò quan trọng đối với chuyển đổi số quốc gia.
Tại Việt Nam, những năm qua, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có bước phát triển mới, khá hiện đại phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước; hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, cá nhân; hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển.
Cùng những kết quả đạt được, theo ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, hạ tầng số nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển Internet vạn vật, phát triển đô thị thông minh, sản xuất thông minh; việc tiếp cận băng rộng khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm triển khai…
Những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan: công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập; chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính đồng bộ; việc quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu, một số quy định pháp luật chưa phù hợp...
Từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ và áp lực từ dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua, vấn đề chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số càng trở nên bức thiết. Ông Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: Hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong một nền kinh tế số, xã hội số.
Cuộc đổi mới của ngành viễn thông lần thứ nhất diễn ra cách đây 30 năm là cú hích để viễn thông trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Và lần đổi mới thứ 2 của ngành viễn thông chính là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Trong đó, phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực cho kinh tế số, xã hội số phát triển.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Hồng Tâm - Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud cho rằng, hạ tầng số là một thành phần chủ chốt của chuyển đổi số. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ để làm nền tảng thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số. Những năm qua, FPT đã tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng số ở Việt Nam với các trụ cột của hạ tầng số bao gồm mạng di động, mạng Internet và điện toán đám mây (Cloud).
Đáng chú ý, với hàng triệu doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số, Cloud chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề doanh nghiệp đã và đang gặp phải. Thứ nhất, Could có khả năng cung cấp hạ tầng một cách nhanh chóng, doanh nghiệp chỉ mất vài ngày, thậm chỉ vài giờ để có một hạ tầng đầy đủ đáp ứng mục tiêu kinh doanh. Thứ hai, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ Cloud một cách linh hoạt, trả tiền theo nhu cầu sử dụng dịch vụ. Thứ ba, Cloud giúp giải quyết các bài toán cao cấp, bao gồm sử dụng dữ liệu để phân tích, từ đó đưa ra những dự báo, khuyến nghị.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang trong giai đoạn xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G (6G trong tương lai), thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển… Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phát triển IoT; các hạ tầng về định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia...
Từ định hướng này, ông Phạm Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, đưa ra sáng kiến thúc đẩy phát triển hạ tầng số gồm 4 nội dung cốt lõi: điện toán đám mây là tiêu chuẩn, khuyến khích đầu tư hạ tầng số, lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số quan trọng, xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số.
Trong đó, phát triển hạ tầng số nên ưu tiên sử dụng giải pháp hạ tầng số trong nước; hạ tầng phục vụ các hệ thống quan trọng, cần giao cho các doanh nghiệp nhà nước lớn có uy tín, kinh nghiệm, nguồn nhân lực thực hiện. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm hơn nữa để kịp thời đáp ứng sự phát triển của hạ tầng số, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong phát triển kinh tế - xã hội.