Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam
Thông tin báo cáo tài chính (BCTC) có vai trò hết sức quan trọng, giúp cho việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Các thông tin này luôn được yêu cầu phải minh bạch, hữu ích và đảm bảo độ tin cậy. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá những vấn đề liên quan đến BCTC tại các ĐVSNCL, bài viết nêu rõ một số định hướng hoàn thiện hệ thống BCTC trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu, bối cảnh phát triển mới.
Tổng quan về báo cáo tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Khái niệm báo cáo tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập
Theo Điều 3, Luật Kế toán, BCTC là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định. Hiện nay, các ĐVSNCL đang thực hiện lập BCTC theo hướng dẫn của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính.
Theo Điều 29, Luật Kế toán, BCTC được sử dụng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. BCTC của đơn vị kế toán gồm: Báo cáo tình hình tài chính; Báo cáo kết quả hoạt động; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh BCTC; Báo cáo khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, danh mục BCTC đã được liệt kê chi tiết, rõ ràng trong Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính.
Tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, BCTC được coi là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để xây dựng BCTC nhà nước, báo cáo của Tổng Kế toán nhà nước. BCTC dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động tài chính và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị, cung cấp cho những người có liên quan để xem xét và đưa ra các quyết định về các hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị.
Vai trò của báo cáo tài chính
Theo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày BCTC” (VPSAS 01) được ban hành theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về công bố 5 Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam đợt 1, BCTC là các thông tin về tình hình tài chính và kết quả tài chính của một đơn vị được trình bày có mục đích theo biểu mẫu, được cấu trúc chặt chẽ. Mục đích của BCTC là cung cấp thông tin hữu ích về tình hình tài chính, kết quả tài chính và các luồng tiền của đơn vị cho người sử dụng BCTC để đánh giá và đưa ra các quyết định về việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực.
BCTC trong lĩnh vực kế toán công phải cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định, phải thể hiện khả năng giải trình của đơn vị về việc sử dụng những nguồn lực đã tiếp nhận, theo các hình thức sau: Cung cấp thông tin về các nguồn lực, sự phân bổ các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực tài chính; Cung cấp thông tin về các hoạt động của đơn vị để đảm bảo vốn cho các hoạt động và đáp ứng các nhu cầu chi tiêu; Cung cấp thông tin hữu ích cho việc đánh giá khả năng của đơn vị trong việc đảm bảo vốn cho các hoạt động, đáp ứng nhu cầu trả nợ và thực hiện cam kết của mình; Cung cấp thông tin về điều kiện tài chính của đơn vị và những thay đổi về điều kiện tài chính; Cung cấp thông tin tổng hợp hữu ích để đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị trên các khía cạnh chi phí dịch vụ, hiệu quả và khả năng hoàn thành mục tiêu của đơn vị.
Cũng theo Chuẩn mực VPSAS 01, BCTC còn có vai trò dự đoán tương lai bằng việc cung cấp các thông tin hữu ích trong việc dự kiến mức độ nguồn lực cần thiết để tiến hành các hoạt động trong tương lai, các nguồn lực có thể được tạo ra từ các hoạt động trong tương lai, các rủi ro và bất ổn đi kèm.
Ngoài ra, BCTC còn có thể cung cấp cho người sử dụng các thông tin sau: Việc các nguồn lực đã được tiếp nhận và sử dụng hợp pháp tuân thủ theo dự toán được giao; Việc các nguồn lực đã được tiếp nhận và sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật, các cơ chế tài chính liên quan và các hợp đồng mà đơn vị đã ký kết...
Nguyên tắc lập báo cáo tài chính
Về nguyên tắc, theo khoản 3, Điều 7, Thông tư số 107/2017/TT-BTC, việc lập BCTC phải được căn cứ vào số liệu kế toán sau khi khóa sổ kế toán. BCTC phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do.
Theo Chuẩn mực VPSAS 01, BCTC được lập trên giả định rằng đơn vị hoạt động liên tục sẽ tiếp tục hoạt động bình thường và thực hiện các nghĩa vụ của mình trong một khoảng thời gian có thể dự đoán được trong tương lai. Để đánh giá liệu giả định hoạt động liên tục có hợp lý hay không, những người có trách nhiệm lập BCTC phải xem xét tất cả những thông tin sẵn có liên quan đến hoạt động trong tương lai trong thời gian ít nhất là 12 tháng kể từ ngày BCTC được phê duyệt.
Bên cạnh đó, xét về nguyên tắc kế toán, theo Điều 6, Luật Kế toán, BCTC phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời. Thông tin, số liệu trong BCTC của đơn vị kế toán phải được công khai theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật Kế toán. Cụ thể, theo Điều 31, Luật Kế toán, đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh công khai các nội dung sau đây: Tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Kết quả hoạt động kinh doanh; Trích lập và sử dụng các quỹ; Thu nhập của người lao động; Các nội dung khác theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo Điều 32, Luật Kế toán, hình thức và thời hạn công khai BCTC của đơn vị kế toán sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định.
Bước tiến trong báo cáo tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp được Bộ Tài chính ban hành ngày 10/10/2017, đến nay, sau gần 5 năm triển khai, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Theo Hồ Thị Vinh (2021), nhìn một cách tổng thể khi nghiên cứu về Thông tư số 107/2017/TT-BTC, có thể thấy một số bước tiến nổi bật về BCTC của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) nhìn từ Thông tư này. Cụ thể:
- Tách bạch BCTC và báo cáo quyết toán tình hình sử dụng ngân sách ở các đơn vị HCSN: Theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, hệ thống báo kế toán của ĐVSNCL đã được đổi mới theo hướng phân định rõ báo cáo quyết toán phục vụ cho quyết toán ngân sách và BCTC để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị.
- Xác định rõ ràng mục đích của BCTC, phù hợp với thông lệ quốc tế: Theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, mục đích của BCTC đã được xác định rõ ràng là sử dụng cho mục đích ra quyết định và cho mục đích giải trình. Quy định này đã bước đầu phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong khu vực công, mục đích cung cấp thông tin cho giải trình trách nhiệm của BCTC được đề cao.
- Đã được lập trên cơ sở dồn tích: Kế toán trên cơ sở dồn tích theo quy định của Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã giúp cho các ĐVSNCL phần nào cải thiện chất lượng thông tin, cung cấp thông tin thích hợp cho việc ra quyết định. Xét ở phạm vi tổng thể khu vực công, kế toán dồn tích mang lại thông tin tổng quát hơn, từ đó tạo cơ sở để tăng cường quản lý tài sản, quản lý công nợ và đánh giá khả năng thanh toán của đơn vị.
- Đã đáp ứng được nhu cầu thông tin tài chính của người sử dụng: Theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC, hệ thống BCTC phải được lập đúng nguyên tắc, nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán, trường hợp BCTC trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do. Bên cạnh đó, BCTC phải đáp ứng các yêu cầu như phản ánh một cách trung thực, khách quan về nội dung và giá trị các chỉ tiêu báo cáo; trình bày theo một cấu trúc chặt chẽ, có hệ thống về tình hình tài chính, kết quả hoạt động và các luồng tiền từ hoạt động của đơn vị; BCTC phải được lập kịp thời, đúng thời gian quy định đối với từng loại hình đơn vị, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, chính xác thông tin, số liệu kế toán; thông tin, số liệu kế toán phải được phản ánh liên tục, số liệu của kỳ này phải kế tiếp số liệu của kỳ trước.
Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 23/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 633/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2030. Theo Chiến lược này, một trong những nhiệm vụ đề ra là: “Công bố hệ thống Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam trên cơ sở chuẩn mực kế toán công quốc tế, phù hợp với xu hướng cải cách quản lý tài chính công và ngân sách nhà nước của Việt Nam. Hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam đảm bảo yêu cầu tạo lập cơ sở thống nhất cho việc ghi chép kế toán, là mực thước và khuôn mẫu lập và trình bày thông tin tài chính của các đơn vị kế toán thuộc khu vực Nhà nước, BCTC nhà nước và chính quyền địa phương”. Trên cơ sở nhiệm vụ này, theo các chuyên gia kế toán, để giúp các cơ quan quản lý, các nhà lãnh đạo đơn vị đưa ra các quyết định đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐVSNCL, các thông tin BCTC cung cấp phải minh bạch, hữu ích, đảm bảo độ tin cậy. Vì vậy, việc hoàn thiện BCTC tại các ĐVSNCL cần dựa trên các định hướng sau:
Một là, phải phù hợp với các chính sách, cơ chế tài chính của Nhà nước: Theo đó, việc hoàn thiện tổ chức kế toán nói chung và BCTC nói riêng đối với các ĐVSNCL, phải đảm bảo tuân thủ quản lý tài chính công. Điều này cũng thể hiện rõ ở Chuẩn mực VPSAS 01 khi Chuẩn mực này cũng không quy định những nội dung của Chuẩn mực Kế toán công quốc tế số 1 không phù hợp với cơ chế tài chính, ngân sách trong dài hạn, việc bổ sung quy định sẽ được thực hiện căn cứ tình hình thực tế theo từng giai đoạn phù hợp.
Hai là, nâng cao tính hữu ích của thông tin cung cấp cho các đối tượng liên quan đến ĐVSNCL: Thông tin BCTC giúp cho việc nâng cao trách nhiệm giải trình của đơn vị về việc tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật. BCTC không chỉ cung cấp thông tin cho các chủ thể nội bộ đơn vị, mà còn cho các chủ thể bên ngoài đơn vị như: cơ quan quản lý ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, các đơn vị tham gia liên doanh, liên kết hay hợp tác phát triển...
Ba là, được khuyến khích trình bày bổ sung các thông tin: Việc này giúp cho người sử dụng báo cáo trong việc đánh giá kết quả hoạt động, việc quản lý tài sản của đơn vị, cũng như đưa ra các quyết định về việc phân bổ các nguồn lực. Các thông tin bổ sung này có thể bao gồm các thông tin chi tiết về kết quả hoạt động của đơn vị dưới hình thức các chỉ số hoạt động, báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ, báo cáo về các chương trình, dự án và các báo cáo khác của lãnh đạo đơn vị về các sự kiện nổi bật của đơn vị trong kỳ báo cáo.
Bốn là, tiếp thu các thông lệ tốt quy định trong chuẩn mực kế toán công quốc tế: Việc hoàn thiện BCTC đối với ĐVSNCL phải trên cơ sở tiếp thu các thông lệ tốt quy định trong chuẩn mực kế toán công quốc tế và phù hợp với xu hướng chung của thế giới, để nâng tầm phát triển kế toán khu vực công Việt Nam và tăng cường sự thừa nhận của các tổ chức quốc tế, đảm bảo các thông tin tài chính được cung cấp phù hợp, tin cậy hơn, góp phần cải cách tài chính trong lĩnh vực công.
Năm là, cung cấp đủ thông tin tài chính để đánh giá hoạt động, làm cơ sở để đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các ĐVSNCL: Hoàn thiện chế độ kế toán, trong đó có hoàn thiện BCTC với mục tiêu cung cấp đủ thông tin tài chính, góp phần công khai, minh bạch hoạt động tài chính của ĐVSNCL là một trong những giải pháp cụ thể để hướng tới đổi mới hệ thống tổ chức ĐVSNCL nói chung cũng như trong từng lĩnh vực theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, giảm đầu mối và tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, thu hút các cá nhân, tổ chức, thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13;
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 về việc phê duyệt Chiến lược Kế toán - Kiểm toán đến năm 2030;
- Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;
- Hồ Thị Vinh (2021), Đánh giá hệ thống báo cáo tài chính theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số 214, tháng 7/2021;
Nguyễn Thị Hoài, Hoàn thiện hệ thống BCTC tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, Tạp chí Tài chính, số tháng 3/2017.
* Nguyễn Vũ Hải Hà - Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2022