Ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội bộ đến tính trung thực của báo cáo tài chính
Bài viết tập trung phân tích ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội bộ đến tính trung thực của báo cáo tài chính. Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy tính trung thực báo cáo tài chính chịu tác động bởi các yếu tố cấu thành của kiểm soát nội bộ.
Nhóm tác giả đã xây dựng Bảng câu hỏi gồm 29 biến quan sát, trong đó biến phụ thuộc là tính trung thực của báo cáo tài chính gồm 5 biến quan sát, 5 biến độc lập là 5 yếu tố cấu thành của kiểm soát nội bộ gồm 24 biến quan sát. Bảng khảo sát được thực hiện với 105 mẫu. Kết quả cho thấy Tính trung thực báo cáo tài chính chỉ đạt mức trung bình chung 3,84 và chịu tác động nhiều nhất là yếu tố môi trường kiểm soát, điều này là phù hợp với thực trạng tại Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Báo cáo tài chính là nguồn cung cấp những thông tin tài chính chủ yếu để đánh giá thực trạng tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh, dòng tiền của doanh nghiệp. Một mặt, báo cáo tài chính cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý, hỗ trợ cho việc kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn và khả năng huy động nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Mặt khác, đối với người bên ngoài, báo cáo tài chính của doanh nghiệp là kênh thông tin giúp Nhà nước trong việc đưa ra những quyết định mang tính vĩ mô. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt nam chiếm trên 95% về mặt số lượng. Tuy nhiên, trong thực tế, báo cáo tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ được lập không phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Một trong những lý do báo cáo tài chính không trung thực xuất phát từ kiểm soát nội bộ của chính doanh nghiệp.
Theo COSO (The Committee of Sponsoring Organizations) năm 2013. “Kiểm soát nội bộ là một quá trình, chịu ảnh hưởng bởi Hội đồng quản trị, người quản lý và các nhân viên của đơn vị, được thiết lập để cung cấp một sự đảm bảo hợp lý nhằm đạt được các mục tiêu về hoạt động, báo cáo tài chính và tuân thủ”.
Kiểm soát nội bộ bao gồm 5 yếu tố cấu thành: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Các hoạt động kiểm soát, Truyền thông, thông tin và Giám sát. Một trong những mục tiêu của kiểm soát nội bộ là giúp báo cáo tài chính trung thực, vì vậy các yếu tố cấu thành của kiểm soát nội bộ đều có ảnh hưởng đến quy trình lập báo cáo tài chính.
Quy trình lập báo cáo tài chính là một chuỗi các hoạt động bao gồm: thu thập các nghiệp vụ phát sinh thông qua các chứng từ, sử dụng các phương pháp kế toán như: phân loại đối tượng kế toán, tính giá để ghi vào sổ sách liên quan, từ đó làm cơ sở cho việc lập các báo cáo tài chính. Các hoạt động trong quy trình này cần phải tuân thủ các quy định và chuẩn mực kế toán hiện hành tuân thủ các nguyên tắc và những yêu cầu của kế toán.
Báo cáo tài chính được đánh giá là trung thực khi thể hiện các yêu cầu: đầy đủ, khách quan, không sai sót, các lựa chọn về chính sách kế toán phải phù hợp với thực tế của doanh nghiệp.
Việc thiết kế, thực hiện và duy trì kiểm soát nội bộ có thể thay đổi theo quy mô và mức độ phức tạp của đơn vị. Trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đặc điểm quyền sở hữu quản lý tập trung vào một số người, số lượng nhân viên ít, vì vậy, các doanh nghiệp này có thể sử dụng ít chức năng, ít thủ tục hơn và các quy trình, thủ tục đơn giản hơn để thực hiện mục tiêu của mình. Trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó phân biệt một cách rõ rệt các thành phần của kiểm soát nội bộ, tuy nhiên, mọi yếu tố của kiểm soát nội bộ sẽ vẫn được thực hiện. Điều này có thể xảy ra khi chủ sở hữu, đồng thời là nhà quản lý có thể cùng lúc thực hiện nhiều chức năng liên quan đến các thành phần khác nhau của kiểm soát nội bộ.
Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố cấu thành của kiểm soát nội bộ đến tính trung thực của báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có sự khác biệt so với những doanh nghiệp lớn.
2. Tổng quan nghiên cứu
Afiah N.N & Azwari P.C (2015) nghiên cứu sự ảnh hưởng của kiểm soát nội bộ đến chất lượng báo cáo tài chính và đến việc quản lý tốt của khu vực công. Kết quả cho thấy, kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng tốt hơn đáng kể đến chất lượng báo cáo tài chính, tới 41%. Việc nâng cao kiểm soát hệ thống kiểm soát nội bộ của Chính phủ trở thành một phần quan trọng đối với chất lượng báo cáo tài chính ở chính quyền địa phương.
Theo Angella.A, (2009), gian lận trong việc lập báo cáo tài chính và những vụ bê bối kế toán ở tất cả các quốc gia thường liên quan đến tổ chức kiểm soát nội bộ. Năm 1987, trong kết quả nghiên cứu của Ủy ban tài trợ tại Mỹ đã cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những gian lận về thông tin tài chính của các công ty là sự vắng bóng hoặc yếu kém trong tổ chức kiểm soát nội bộ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu gần đây của Lê Thị Thảo (2020) về “Hệ thống kiểm soát nội bộ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hệ thống kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mức độ ảnh hưởng của các thành phần sắp xếp theo thứ tự giảm dần: (1) Môi trường kiểm soát, (2) Đánh giá rủi ro, (3) Thông tin và truyền thông, (4) Giám sát, (5) Hoạt động kiểm soát, (6) Công nghệ thông tin.
Kết quả nghiên cứu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện, nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, đồng thời giúp giảm bớt hoặc loại bỏ các điểm yếu trong quy trình thực hiện kiểm soát nội bộ, nhằm tăng cường nền tảng nội bộ và ảnh hưởng tích cực đến quản trị.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Anh Hiền (2019) về “Ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội bộ đến chất lượng báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp”, tác giả đã sử dụng dữ liệu sơ cấp thu thập từ bảng câu hỏi khảo sát của 215 doanh nghiệp và thông qua phần mềm SPSS 20.0 để phân tích cho thấy, kết quả là kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng đến chất lượng thông tin của doanh nghiệp.
Mức độ ảnh hưởng của các bộ phận hợp thành hệ thống kiểm soát nội bộ được sắp xếp theo thứ tự mức độ quan trọng, lần lượt là: Môi trường kiểm soát, hoạt động kiểm soát, đánh giá rủi ro, thông tin truyền thông, công nghệ thông tin, Giám sát. Điều này cho thấy, môi trường kiểm soát và hoạt động kiểm soát có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Từ các lý thuyết đã nghiên cứu tại phần 1 và 2, tác giả xây dựng bảng câu hỏi, trong đó có 29 biến quan sát. Biến phụ thuộc - trung thực báo cáo tài chính (TT) có 5 biến quan sát, 5 biến độc lập: Môi trường kiểm soát (MTKS) 6 biến quan sát; Đánh giá rủi ro (DGRR) 3 biến quan sát; Hoạt động kiểm soát (HDKS) 7 biến quan sát; Thông tin và truyền thông (TTTT) 5 biến quan sát; Giám sát (GS) 0 biến quan sát.
Tác giả sử dụng thang đo Likert 5 bậc để đánh giá mức độ đồng ý của người được khảo sát đối với từng phát biểu (1 = Hoàn toàn không đồng ý; 2 = Không đồng ý; 3 = Bình thường; 4 = Đồng ý; 5 = Hoàn toàn đồng ý). Bảng câu hỏi gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất bao gồm những thông tin cơ bản về ứng viên như: Giới tính, tuổi đời, trình độ học vấn, chức vụ, ngành ghề của doanh nghiệp mà người khảo sát đang cống tác; Phần thứ hai được thiết kế thu thập những ý kiến về 29 câu hỏi liên quan 29 biến quan sát.
Bảng câu hỏi được gửi bằng hình thức Google.docs, kết quả nhận được 105 phản hồi hợp lệ từ người được khảo sát. Dữ liệu được xử lý trên phần mềm phân tích SPSS 20.0 dưới dạng các mã số được quy ước từ trước. Căn cứ dữ liệu đã mã hóa vào phần mềm, tiến hành chạy các mô hình kiểm định thang đo, tính tương quan giữa các biến và xác định mô hình hồi quy ảnh hưởng.
4. Kết quả và phân tích
Bảng 1. Thống kê mô tả về tính trung thực báo cáo tài chính
Từ Bảng 1, kết quả trung bình thống kê chung của tính trung thực báo cáo tài chính cho thấy, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam không cao. Trong đó, 2 biến TT1 “Doanh nghiệp không bỏ ngoài sổ sách các nghiệp vụ kinh tế phát sinh” và TT2 “Doanh nghiệp không tạo ra các nghiệp vụ không có thật để ghi nhận vào sổ sách” với mức trung bình chung lần lượt là: 3,66 và 3,5 cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không tuân thủ những yêu cầu của pháp luật về kế toán trong việc ghi chép và lập báo cáo tài chính, từ đó dẫn đến sự trung thực của báo cáo tài chính không cao
4.1. Kiểm định thang đo
Để đánh giá độ tin cậy của thang đo, tác giả sử dụng phương pháp kiểm định độ tin cậy Cronbach's Alpha, hệ số này cho phép đánh giá xem nếu đưa các biến quan sát nào đó thuộc về một biến nghiên cứu thì có phù hợp hay không. Sử dụng phương pháp hệ số tin cậy Cronbach's Alpha trước khi phân tích nhân tố EFA để loại các biến không phù hợp. Kết quả cho thấy, các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 và Cronbach's Alpha lớn hơn 0,7. Tuy nhiên, để tăng cường độ tin cậy của thang đo, tác giả loại 3 biến (TT2, MTKS2, DGRR3). Như vậy, sau khi loại 3 biến, mô hình còn lại là 26 biến quan sát bao gồm 22 biến độc lập và 4 biến phụ thuộc tiến hành qua bước phân tích EFA.
Bảng 2. Kiểm định KMO và Bartletts
Bảng 2 cho thấy kết quả KMO = 0,898 > 0,5 và kiểm định Bartlett test có giá trị Sig = 0,000 < 0,05, chứng tỏ thang đo có giá trị về mặt thống kê.
4.2. Phân tích hồi quy đa biến
Kết quả hồi quy đa biến: Kết quả hồi quy cho thấy, 5 nhân tố MTKS, DGRR, TTTT, HDKS, GS đều có hệ số Sig < 0.05 nên đều có ý nghĩa thống kê. Phương trình tuyến tính được viết lại như sau:
TT = 0.4*MTKS + 0.379*DGRR + 0.172*GS - 0.132*TTTT + 0.043*HDKS + e
- Kết quả hồi quy cho thấy, thứ tự ảnh hưởng của các bộ phận cấu thành hệ thống kiểm soát nội bộ đến chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp theo mức độ quan trọng, lần lượt là: Môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro, Giám sát, Thông tin truyền thông, Hoạt động kiểm soát. Điều này chứng tỏ môi trường kiểm soát và đánh giá rủi ro có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng báo cáo tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Mức độ giải thích của mô hình: theo kết quả nghiên cứu, R2 hiệu chỉnh là 0.539 > 0.5 cho thấy mô hình hồi quy tốt và các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 53,9% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại 46,1% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.
- Mức độ phù hợp của mô hình: Bảng ANOVA cho kết quả kiểm định F để đánh giá giả thuyết sự phù hợp của mô hình hồi quy. Giá trị sig kiểm định F bằng 0.000 < 0.05, do đó, mô hình hồi quy là phù hợp. Như vậy, có thể kết luận mô hình nghiên cứu đề xuất phù hợp với dữ liệu thực tế, các biến độc lập có quan hệ tuyến tính với biến phụ thuộc.
5. Hàm ý
Từ kết quả nghiên cứu trong mô hình hồi quy cho thấy, môi trường kiểm soát, đánh giá rủi ro và giám sát là 3 yếu tố tác động nhiều nhất đến tính trung thực của báo cáo tài chính, vì vậy theo tác giả, để nâng cao tính trung thực báo cáo tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, các bên liên quan cần quan tâm đến những vấn đề sau:
- Một là, để hoàn thiện môi trường của doanh nghiệp, đầu tiên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức môi trường kiểm soát là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố còn lại của hệ thống kiểm soát nội bộ và đặc biệt ảnh hưởng đến tính trung thực của báo cáo tài chính. Như vậy, để nâng cao nhận thức của nhà lãnh đạo, các cơ sở đào tạo cần bổ sung những môn học về đạo đức, trang bị những kiến thức về đạo đức cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mặt khác, các cơ quan hành pháp cần thực thi luật pháp đối với những doanh nghiệp báo cáo tài chính không trung thực, qua đó sẽ giúp nâng cao ý thức của lãnh đạo nói riêng và nhân viên trong doanh nghiệp nói chung.
- Hai là, môi trường hoạt động của doanh nghiệp sẽ hình thành nhiều rủi ro, từ đó có thể ảnh hưởng đến tính trung thực của báo cáo tài chính. Vì vậy, nhà quản lý cần xem trọng vấn đề này. Để xem xét rủi ro, nhà quản lý cần xác định rõ ràng các mục tiêu cụ thể của công ty, từ đó lựa chọn chương trình phù hợp để đảm bảo thực hiện những mục tiêu đó. Rủi ro là những yếu tố làm cản trở quá trình đạt được mục tiêu, qua đó nhà quản lý nhận dạng và đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, khi môi trường thay đổi như các điều kiện về kinh tế, chế độ của Nhà nước, công nghệ, luật pháp sẽ làm rủi ro thay đổi. Vì vậy, nhà quản lý cần thường xuyên xem xét lại, cập nhật, điều chỉnh khi có sự biến động hoặc theo từng thời kỳ.
- Cuối cùng, công tác giám sát cũng cần được chú trọng, trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ với đặc thù của mình, sẽ không hình thành bộ phận kiểm toán nội bộ. Vì vậy, hàng năm, nhà quản lý cần thành lập tổ kiểm tra bao gồm những thành viên có chuyên môn để đánh giá về việc chấp hành những quy định của công ty và những quy định của Nhà nước, thông qua đó góp phần nâng cao tính trung thực báo cáo tài chính.
Tài liệu tham khảo:
- Afiah, N. N. & Azwari, P. C. (2015). The Effect of The Implementation of Government Internal Control System (GICS) on The Quality of Financial Reporting of The Local Government and Its Impact on The Principles of Good Governance. Procedia Social and Behavioral Sciences, 211, 811-818.
- Angella.A. (2009). Evaluation of Internal Cotrol Systerms: A case study from Uganda. International Research Journal of Finance and Economics, 1(27), 124-144.
- COSO. (2013). Internal Control - Integrated Framework. [Online] Avalabile at https://www.coso.org/ documents/ coso-crowe-coso-internal-control-integrated-framework.pdf
- Nguyễn Anh Hiền (2019). Ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội bộ đến chất lượng báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính, 707, 35-37.
- Lê Thị Thảo (2020). Hệ thống kiểm soát nội bộ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luận văn thạc sĩ, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.