Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam
Ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký Quyết định số 475/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.
Động thái này cho thấy, nỗ lực của Việt Nam cùng với thế giới trong công tác phòng, chống rửa tiền nói chung và hoàn thiên khung khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền nói riêng.
Bài viết hệ thống lại các quy định pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hoạt động phòng, chống rửa tiền của Việt Nam trong những năm qua, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho công tác này trong bối cảnh số hóa.
Khung khổ pháp lý về hoạt động phòng chống, rửa tiền gắn với cam kết quốc tế
Việt Nam xác định phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan nhà nước. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. Nhờ nhận thức được những rủi ro, nguy hại to lớn mà vấn nạn rửa tiền tác động đến hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng như: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… đã vào cuộc mạnh mẽ và thu được những kết quả tích cực.
Theo đó, Việt Nam đã từng bước kiện toàn các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền; Kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị chuyên trách là Cục Phòng, chống rửa tiền; Thiết lập đầu mối các bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố… Việt Nam cũng tích cực trong việc tham gia các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chống rửa tiền. Trong đó, Việt Nam đã là thành viên của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); là quan sát viên của Nhóm các đơn vị tình báo tài chính (Nhóm Egmont)...
Cùng với việc tích cực tham gia thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý qua các giai đoạn khác nhau, tạo cơ sở cho hoạt động phòng, chống rửa tiền, tiệm cận cũng như phù hợp với các quy định, cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, ngày 07/6/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng, chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 01/8/2005). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đưa ra khái niệm về rửa tiền và các biện pháp phòng, chống rửa tiền và là cơ sở pháp lý để Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Theo Nghị định này, NHNN với vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng, thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có liên quan đến rửa tiền. NHNN thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền với vai trò là trung tâm quốc gia trong việc thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền…
Có thể nói, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ra đời đã đáp ứng được yêu cầu quản lý hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, góp phần làm minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.
Thực hiện Nghị định số 74/2005/NĐ-CP, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2009/TT-NHNN ngày 17/11/2009 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng; Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản…
Tiếp đó, Bộ Luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2009, với việc Việt Nam đã đưa tội danh rửa tiền tại Điều 251, tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này; đồng thời, góp phần tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền. Năm 2015, Quốc hội tiếp tục thông qua Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 với việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, phù hợp hơn với những vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới.
Ngày 12/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1451/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ các nhiệm vụ cụ thể trong định hướng phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Ngày 24/02/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1451/QĐ-TTg, trong đó sửa đổi, bổ sung quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền chỉ đạo và trách nhiệm báo cáo của các bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt, năm 2012, Quốc hội ban hành Luật Phòng chống rửa tiền, đã tạo lập hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống rửa tiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Với việc ban hành và thực thi mạnh mẽ Luật Phòng chống rửa tiền, Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là có nhiều nỗ lực và bước tiến quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động tích cực tới chính trị, xã hội và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Để đưa Luật Phòng chống rửa tiền vào cuộc sống, ngày 04/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền về các biện pháp phòng, chống rửa tiền; Thu thập xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Trong đó, Bộ Công an được Chính phủ giao có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập và xử lý thông tin do cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN chuyển giao, thông tin do đối tượng báo cáo cung cấp theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định này; thông báo kết quả xử lý có liên quan cho cơ quan phòng, chống rửa tiền...
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. Cùng với việc tích cực tham gia thực hiện cam kết quốc tế về chống rửa tiền, Việt Nam tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý qua các giai đoạn khác nhau, tạo cơ sở cho hoạt động phòng, chống rửa tiền, tiệm cận và phù hợp với các cam kết quốc tế về chống rửa tiền.
Nhằm tạo sự răn đe cũng như xây dựng các chế tài xử phạt đối với các hành vi phạm liên quan đến rửa tiền trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, ngày 17/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền. Nghị định này quy định nhiều mức phạt nghiêm khắc dao động phổ biến từ 20 triệu – 250 triệu đồng đối với các hành vi như: Vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng; Vi phạm quy định về rà soát khách hàng và giao dịch, quan hệ ngân hàng đại lý; Vi phạm quy định về báo cáo giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; Vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền…
Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng bùng nổ với sự xuất hiện của các loại tiền ảo mang tính chất ẩn danh, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công an thực hiện đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo…
Ngày 30/4/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký Quyết định số 475/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nhằm mục tiêu thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm APG; đồng thời, bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế…
Bên cạnh các quy định khung khổ pháp lý liên quan đến phòng, chống rửa tiền, các quy định được quy định cụ thể tại Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quản lý thuế… góp phần tạo nên sự hoàn thiện trong khung khổ pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền, khẳng định cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến mang tính toàn cầu này.
Thách thức và khuyến nghị
Theo các chuyên gia, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong thực thi pháp luật về phòng chống rửa tiền tại Việt Nam, thực tiễn triển khai pháp luật về phòng, chống rửa tiền cũng còn một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh, nhất là việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan.
Hiện nay, một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền nhưng chưa được quy định trong luật. Một số chủ thể có hoạt động có thể bị lợi dụng để rửa tiền nhưng chưa được quy định vào đối tượng báo cáo. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Phòng chống rửa tiền còn chưa đồng bộ, còn chồng chéo dẫn đến những bất cập trong quá trình triển khai; Vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và đáp ứng chuẩn mực quốc tế mới về phòng, chống rửa tiền. Nhiều quy định chưa được cụ thể hóa, chưa phù hợp nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của các cơ quan thi hành luật, làm cho tội phạm luồn lách Luật Phòng chống rửa tiền ở Việt Nam. Những quy định hiện tại cũng chưa đủ sức răn đe để điều chỉnh các hoạt động rửa tiền vốn ngày càng trở nên tinh vi, khó lường, đặc biệt qua các kênh như giao dịch tiền ảo…
Để khắc phục những hạn chế trên, cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền, nhằm nhận diện những tồn tại, kẽ hở hiện nay, từ đó bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật trong hoạt động này. Đây là việc làm thường xuyên và tất yếu bởi hoạt động rửa tiền ngày càng tinh vi, tồn tại dưới nhiều hình thức, mang tính xuyên biên giới, được tiếp tay, hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân.
Hai là, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt, khi tiền ảo được sử dụng phổ biến và cũng là kênh rửa tiền được các đối tượng hướng đến, thì đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện quy định pháp luật nhằm chống rửa tiền bằng tiền ảo. Trong thời gian tới, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, NHNN và các cơ quan liên quan cần phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan đến việc sử dụng tiền ảo trong hoạt động rửa tiền để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật mang tính ngăn ngừa, răn đe.
Ba là, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan như: Luật Quản lý thuế, xây dựng và ban hành Luật Thuế tài sản, các quy định pháp luật về đăng ký giao dịch… nhằm kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất thường nhưng không được kiểm soát và không chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2009), Luật Hình sự năm 2009;
2. Quốc hội (2015), Luật Hình sự năm 2015;
3. Quốc hội (2012), Luật Phòng chống rửa tiền 2012;
4. Thủ tướng Chính (2010), Quyết định số 1451/QĐ-TTg ngày 12/8/2010 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố;
5. Chính phủ (2013), Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền;
6. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 475/QĐ-TTg ban hành kế hoạch tổng thể đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.