Hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Trần Huyền

Để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm để lấy ý kiến và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm tránh khoảng trống pháp lý khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phân loại cụ thể các nghiệp vụ bảo hiểm 

Ngày 16/6/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm tại kỳ họp thứ ba (Luật số 08/2022/QH15) có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Thực hiện nhiệm vụ được giao, để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Dự thảo Nghị định bao gồm 10 Điều quy định các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe; Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm quy định chi tiết khoản 2 Điều 7 và khoản 5 Điều 11 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo Dự thảo, đối tượng điều chỉnh của Nghị định bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài; Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, sức khỏe, trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành và đảm bảo minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng, Dự thảo nghị định quy định loại hình bảo hiểm nhân thọ có 7 nghiệp vụ bảo hiểm, loại hình bảo hiểm phi nhân thọ có 10 nghiệp vụ bảo hiểm và loại hình bảo hiểm sức khỏe có 2 nghiệp vụ.

Theo Dự thảo, cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm các quy định về xây dựng, sử dụng, lưu giữ và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về cấp giấy phép thành lập và hoạt động; thay đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động; tổ chức hoạt động; hoạt động nghiệp vụ; chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; tài chính, hạch toán và báo cáo tài chính; khả năng thanh toán và khôi phục khả năng thanh toán; văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tăng cường phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra

Đối với nội dung cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về cơ bản, Dự thảo Nghị định kế thừa quy định pháp luật hiện hành về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP. Theo đó, quy định về việc sử dụng và cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ môi giới bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm quy định chi tiết khoản 2 Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định về đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để đảm bảo tuân thủ cam kết tại WTO. Đồng thời, bỏ quy định về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe không áp dụng các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

Dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm 01 chương quy định về phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, về cơ chế phối hợp về quản lý, giám sát chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài thông qua việc chia sẻ thông tin quản lý giám sát đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Việc chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài được thực hiện trên cơ sở đề nghị, yêu cầu bằng văn bản; Nội dung của các thỏa thuận quốc tế hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài bảo đảm các quy định.

Về thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, kế thừa quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định quy định, Bộ Tài chính Việt Nam thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thì phải thông báo kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho Bộ Tài chính và cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra cho Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính đề xuất Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, triển khai hoạt động, Dự thảo Nghị định quy định theo hướng, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành.

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm bảo hiểm hưu trí có trách nhiệm rà soát, thực hiện đầy đủ quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và hướng dẫn tại Nghị định này ngoại trừ quy định có liên quan tới quyền lợi bảo hiểm và các khoản phí tính cho khách hàng. Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí được phê chuẩn trước thời điểm 01/01/2023 chưa đáp ứng quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và hướng dẫn tại Nghị định này được tiếp tục triển khai đến hết ngày 31/12/2024.

Việc kịp thời xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với định hướng phát triển, nhu cầu thực tiễn thị trường và tránh khoảng trống pháp lý khi Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.