Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý ngân quỹ quốc gia
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Kho bạc Nhà nước (KBNN), công tác quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) được triển khai, đã góp phần cùng toàn ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc hoạch định chính sách,quản lý và phân phối có hiệu quả các nguồn lực của đất nước thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN),đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của Chính phủ;
huy động một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển kinh tế; tạm ứng kịp thời cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng một số dự án của một số địa phương theo quy định của Luật NSNN…
Cụ thể: KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu trong việc đôn đốc thực hiện dự toán thu NSNN hàng năm; thường xuyên cải tiến quy trình, thủ tục thu nộp NSNN, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Qua đó, nguồn thu NSNN luôn được tập trung đầy đủ, kịp thời và phân chia chính xác cho các cấp ngân sách. Bên cạnh đó, thông qua việc điều hành NQNN tập trung, linh hoạt, KBNN đã luôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu, nhiệm vụ chi của NSNN và các đơn vị giao dịch, không để xảy ra tình trạng mất khả năng thanh toán do thiếu NQNN.
Với việc chuyển cơ chế quản lý, điều hành NQNN từ mô hình phân tán sang quản lý tập trung, thống nhất NQNN trong toàn hệ thống KBNN, thời gian qua cũng đã tạo ra một nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, được sử dụng để tạm ứng cho NSNN, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi quan trọng, cấp bách khi nguồn thu chưa tập trung kịp, giảm nghĩa vụ thanh toán lãi vay của NSNN khi phát hành trái phiếu Chính phủ; hoặc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở của một số dự án để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. KBNN cũng đã sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho một số nhiệm vụ khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hàng năm, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, KBNN đã huy động được một khối lượng lớn vốn lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển. Tổng số vốn KBNN đã huy động trong giai đoạn 2011 đến nay đạt hàng trăm ngàn tỷ đồng, góp phần đảm bảo nguồn tài chính để bù đắp thiếu hụt NSNN và cho đầu tư phát triển các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ cũng đã có nhiều thay đổi về chất như: Việc tổ chức, phát hành trái phiếu ngày càng chuyên nghiệp hơn, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới; đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu (2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm); cơ chế điều hành lãi suất bám sát diễn biến thị trường và phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ; trái phiếu Chính phủ đã thực sự trở thành hàng hóa quan trọng của thị trường vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cơ chế quản lý NQNN cũng có một số bất cập, chủ yếu là do chưa có được một văn bản pháp lý cao, hoàn chỉnh và đồng bộ để điều chỉnh các hoạt động quản lý NQNN, nên chưa kết hợp chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ, dẫn đến tình trạng tại một số thời điểm vẫn còn tồn NQNN, nhưng Chính phủ vẫn phải đi vay; hoặc tại những thời điểm NQNN bị tạm thời thiếu hụt, song KBNN lại chưa có cơ chế vay bù đắp thiếu hụt tạm thời NQNN để đảm bảo an toàn khả năng thanh toán, chi trả của NSNN; chưa có cơ chế để thúc đẩy việc xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền hoàn chỉnh và đồng bộ tại KBNN; quy định về việc mở và sử dụng tài khoản của KBNN tại hệ thống ngân hàng chưa được thống nhất, rõ ràng, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện...
Thực hiện mục tiêu cải cách tài chính công theo hướng công khai, minh bạch, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, KBNN đã xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện đầy đủ các chức năng: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý NQNN và huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển; Tổng Kế toán Nhà nước. Trong đó, quản lý NQNN là một trong những nội dung cơ bản và quan trọng nhất của Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020, đảm bảo quản lý NQNN an toàn và hiệu quả, nhằm góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi việc cải cách quản lý NQNN phải được thực hiện đồng bộ trên cả 3 phương diện: Hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng các công cụ phục vụ cho quản lý NQNN; sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác cải cách quản lý NQNN. Trên cơ sở đó, KBNN đã có những bước đi và lộ trình triển khai một cách đầy đủ và đồng bộ như: Hiện đại hóa hệ thống thanh toán KBNN thông qua việc chuyển đổi mô hình thanh toán phân tán, thủ công bằng chứng từ giấy sang mô hình thanh toán tập trung bằng chứng từ điện tử, hướng tới việc hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy KBNN theo Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 8/7/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với việc hình thành một đơn vị chuyên trách về quản lý NQNN - Cục Quản lý NQNN; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác cải cách quản lý NQNN, đặc biệt là việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại nước ngoài...
Đặc biệt đối với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định về quản lý NQNN tại Luật NSNN và đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Cụ thể, tại Điều 62 Luật NSNN năm 2015 quy định KBNN quản lý tập trung, thống nhất NQNN để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN; bảo đảm quản lý an toàn và sử dụng có hiệu quả NQNN; giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ quản lý NQNN.
Trên cơ sở đó, KBNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 quy định chế độ quản lý NQNN với một số nội dung chủ yếu như: Nguyên tắc quản lý NQNN; các nghiệp vụ quản lý NQNN; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong quản lý NQNN. Bên cạnh đó, theo kế hoạch dự kiến, KBNN cũng sẽ xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2016/NĐ-CP (như Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP; Thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tập trung; Thông tư hướng dẫn việc tạm ứng NQNN cho NSNN). Từ đây, có thể thấy việc ban hành và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên sẽ đem lại một số lợi ích thiết thực, cụ thể như sau:
Một là, tạo dựng khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ (từ Luật NSNN năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính) để điều chỉnh một cách tổng thể các hoạt động quản lý NQNN, đảm bảo quản lý NQNN an toàn và hiệu quả; đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN, quản lý nợ (đặc biệt là việc xác định, lựa chọn thời điểm vay nợ phù hợp với nhu cầu chi tiêu của NSNN tại từng thời điểm để vừa đảm bảo khả năng thanh khoản, vừa giảm nghĩa vụ trả lãi; xác định các hình thức vay nợ phù hợp như: Vay trong nước hay vay ngoài nước, vay ngắn hạn hay vay dài hạn, vay với lãi suất cố định hay thả nổi, bán buôn hay bán lẻ,...), nhằm tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về tài chính công.
Bên cạnh đó, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP cũng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý NQNN, đặc biệt là mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc quản lý NQNN; trong đó, khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của KBNN trong việc quản lý NQNN; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng thanh toán và làm đại lý thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho KBNN.
Hai là, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng (tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại) và hệ thống dự báo luồng tiền để dự báo thu, chi NQNN theo các kỳ tháng, quý, năm. Bên cạnh đó, cùng với quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP về việc cung cấp chia sẻ thông tin theo quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, giám sát được các luồng tiền vào ra của khu vực công một cách dễ dàng hơn; giảm thiểu các yếu tố có ảnh hưởng đến biến động về khả năng thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Từ đó, giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạch định và triển khai có hiệu quả chính sách tiền tệ của mình.
Ba là, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP cũng sẽ tạo điều kiện cho Bộ Tài chính (KBNN) chủ động hơn trong quá trình quản lý, điều hành NSNN và NQNN thông qua việc tổ chức huy động ngắn hạn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi tiêu của NSNN và các đơn vị giao dịch, nhất là tại những thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán,... khi nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị tăng cao. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi cân đối thu, chi NSNN gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ công tăng cao,…
Bên cạnh đó, với việc cho phép KBNN được chủ động phát hành tín phiếu bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt sẽ tạo thêm sản phẩm mới trên thị trường, giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn; quy định về sử dụng NQNN mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ để cơ cấu nợ và giảm nghĩa vụ trả lãi của chính phủ,... cùng với việc cải cách nghiệp vụ phát hành trái phiếu Chính phủ của KBNN (như triển khai nghiệp vụ phát hành trái phiếu, mà trong mỗi đợt phát hành, KBNN được giữ lại một phần trái phiếu đã phát hành để hình thành danh mục trái phiếu và cho phép KBNN được sử dụng danh mục này tham gia thị trường để điều chỉnh thị trường khi cần thiết hoặc hỗ trợ thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường). Từ đó, góp phần thúc đẩy thị trường tiền tệ cũng như thị trường trái phiếu chính phủ phát triển; đồng thời, trái phiếu Chính phủ cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng như là một công cụ để quản lý thanh khoản và phát triển hạ tầng cho thị trường repo liên ngân hàng.
Bốn là, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định cụ thể các biện pháp quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN, đảm bảo việc quản lý NQNN luôn được an toàn; đồng thời, cũng quy định rõ việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của KBNN tại ngân hàng, từ đó giải quyết các vướng mắc trong quá trình tập trung nguồn thu, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của NSNN tại KBNN./.
Với việc ban hành và triển khai Luật NSNN năm 2015, Nghị định số 24/2016/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã tạo điều kiện cho hệ thống KBNN thực hiện đúng mục tiêu, nội dung, lộ trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN đã được đề ra trong Chương trình Cải cách tài chính công; Chiến lược phát triển ngành tài chính và Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2020. Đến năm 2020 xây dựng được KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và thực hiện đầy đủ 3 chức năng: Quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý NQNN và huy động vốn; Tổng Kế toán Nhà nước; các hoạt động KBNN thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.