Hoàn thiện phân cấp ngân sách để sử dụng hiệu quả tài chính công
(Tài chính) Cải cách phân cấp ngân sách là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tài chính công của Việt Nam trong thời gian tới. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tài chính công.
Bất cập thu không đủ chi
Trên thực tế, phân cấp chính là điều kiện để chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn lực ngân sách một cách chủ động, qua đó góp phần nâng cao được tính trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị cấp dưới. Và thực tế đã chứng minh, phân cấp Ngân sách nhà nước (NSNN) đã giúp chính quyền địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn thu, chủ động cân đối ngân sách, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương (NSĐP).
Mặc dù chủ động, nhưng NSĐP vẫn được bổ sung để thực hiện ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế và số bổ sung từ ngân sách Trung ương (NS T.Ư) trong thời gian qua tăng mạnh. Số bổ sung cho các khoản có mục tiêu năm 2011 gấp 5,2 lần so với năm 2004 đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, những bất cập hiện nay như quyền tự chủ của địa phương bị hạn chế trong quyết định các khoản thu ngân sách; phân định nhiệm vụ chi còn bất cập; hay tương quan giữa nhiệm vụ thu được giữ lại và nhiệm vụ chi của các cấp chính quyền địa phương còn chưa tương xứng… cho thấy đã đến lúc cần phải có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đơn cử, các nguồn thu được phân chia 100% cho NSĐP thường là những sắc thuế có hiệu suất thu thấp và không bền vững. Địa phương có quyền quyết định một số loại phí, lệ phí theo phân cấp, nhưng nguồn thu từ các loại phí, lệ phí này trên thực tế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu NSĐP… Đó chính một phần của nguyên nhân khiến cho mặc dù tỷ trọng chi NSĐP trong tổng chi NSNN đã tăng lên đáng kể từ 47,5% năm 2003 (trước thời điểm thực hiện Luật NSNN) lên 52,1% năm 2010 (bao gồm cả số bổ sung cân đối) song phần chi đó phần lớn lại được trang trải từ nguồn bổ sung của NS T.Ư. Số tỉnh tự cân đối được ngân sách từ nguồn thu được giữ lại cho tỉnh giảm từ 15 tỉnh năm 2005 xuống còn 13 tỉnh năm 2013. Các tỉnh còn lại đều trông chờ vào số bổ sung của NS T.Ư.
Quyền phải đi đôi với lợi ích
Theo nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), phải có sự cải cách về phân cấp ngân sách, đảm bảo “quyền” đi đôi với nhiệm vụ, lợi ích và nguồn lực, đảm bảo nhiệm vụ chi được xây dựng phù hợp với trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công được giao. Bởi khi nhiệm vụ được xác định không chính xác thì việc xác định đúng nguồn thu cần có sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải phân cấp mọi thứ mà cần phải giải quyết hài hòa, hợp lý giữa phương thức quản lý tập trung và phương thức quản lý có sự phân cấp. Khi đó, phân cấp ngân sách sẽ tạo ra tính năng động trong quản lý nhà nước về tài chính và gắn trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong sử dụng nguồn lực được giao.
Một số nhóm giải pháp đã được nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính chỉ ra nhằm giải quyết cơ bản được những bất cập trên. Theo đó, cần đổi mới các quy định về phân định nhiệm vụ chi và trách nhiệm giữa các cấp ngân sách phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Đồng thời, khắc cần phục tình trạng cùng một nhiệm vụ chi được phân ra cho quá nhiều cấp mà không có ranh giới rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo.
Việc yêu cầu ngân sách cấp này không được chi cho nhiệm vụ chi của ngân sách cấp khác đã được đặt ra trong Luật NSNN, song thực tế thực hiện còn chưa nghiêm, làm giảm tính kỷ luật tài khóa. Qua nghiên cứu khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính ở một số địa phương cho thấy, hàng năm hầu hết các địa phương vẫn phải hỗ trợ thêm kinh phí cho cơ quan Trung ương ở địa phương (tòa án, viện kiểm sát, công an, quân đội…) để thực hiện nhiệm vụ chung trên địa bàn, gây áp lực cho ngân sách địa phương, nhất là ở những tỉnh còn phải nhận hỗ trợ của NS T.Ư; mặt khác, gây khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nguồn kinh phí này. Do đó, cần hình thành các biện pháp để đảm bảo thực hiện nghiêm quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi trả cho nhiệm vụ của cấp khác.
Ngoài ra, cần có cơ chế để từng bước tăng cường sự tự chủ tài khóa cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, từng bước tăng cường vai trò thuế nhà đất trong việc tạo nguồn thu cho chính quyền địa phương. Trên phương diện lý thuyết cũng như kinh nghiệm các nước, đây là sắc thuế phù hợp nhất để phân cấp cho chính quyền địa phương. Theo thống kê, năm 2011, thu từ thuế đất chỉ tương đương khoảng 0,06% GDP, chưa thể hiện được sự tương quan giữa lợi ích được hưởng (dịch vụ công ở địa phương) và nghĩa vụ đóng góp của người sử dụng đất.
Còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện tốt việc phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, nhưng về cơ bản nếu thực hiện theo hướng đi trên sẽ thực hiện phân cấp ngân sách một cách phù hợp, phát huy được tính tự chủ, công bằng giữa các địa phương, phân bổ nguồn lực công một cách tối ưu và trên hết sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công.