Hoàn thiện quản lý thu ngân sách xã: Nhìn từ thực tế địa phương

HỒ QUANG HẢI

(Tài chính) Nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao quản lý ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và góp phần kiểm soát lạm phát, bài viết tập trung phân tích về thực trạng công tác quản lý thu ngân sách xã trên địa bàn thị xã Cửa Lò - địa phương có số thu ngân sách hàng năm lớn thứ hai của tỉnh Nghệ An (giai đoạn 2010-2012), từ đó đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường công tác quản lý thu ngân sách xã trên địa bàn trong thời gian tới.

Thực tế quản lý thu ngân sách xã giai đoạn 2010 - 2012

Kết quả thu ngân sách trên địa bàn thị xã Cửa Lò nói chung và thu ngân sách trên địa bàn các phường nói riêng trong giai đoạn 2010 - 2012 khá khả quan.

Bảng 1 cho thấy, kết quả thu ngân sách xã trên địa bàn thị xã Cửa Lò năm 2011 tăng mạnh so với năm 2010 với tổng mức thu ngân sách tăng gấp 1,61 lần so với năm 2010. Sở dĩ có sự tăng đột biến này là do những thay đổi về cơ chế chính sách thu, làm phát sinh những khoản thu mới cho Thị xã (từ năm 2010, thành lập thêm hai đơn vị hành chính cấp phường). Tuy nhiên, đến năm 2012, tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ (giảm 2.040 triệu đồng) so với năm 2011 do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản tụt dốc.

Những khoản thu phí và lệ phí: Thị xã Cửa Lò hoàn toàn là từ thu lệ phí đò, chợ, bến bãi. Ở cả hai năm 2010 và 2012 mức thực thu đều cao hơn mức dự toán, đặc biệt là năm 2012, mức thực thu cao hơn rất nhiều (160%) so với dự toán. Trong khi đó, mức thực thu của năm 2011 lại thấp hơn 3% so với dự toán. Các khoản thu phí, lệ phí, đặc biệt là lệ phí chợ và lệ phí đò đã được khai thác triệt để. Hầu hết các xã đều dùng phương pháp đấu thầu và khoán thu.

Mức thu thực tế từ nguồn thu quỹ đất công ích 5 % của cả 3 năm đều cao hơn so với mức dự toán nhưng lại không đồng đều giữa các phường. Đặc biệt là mức thu thực tế của năm 2011 cao hơn đến 35,51% so với mức dự toán, mức thu thực tế của năm 2010 cao hơn đến 6,45% so với dự toán. Sở dĩ, có sự gia tăng đột biến này là do năm 2011 trên địa bàn phường Nghi Thu, Nghi Hoà có một số nhà máy, trường học được xây dựng tại đây như: Nhà máy sữa Vinamilk, Nhà máy bánh kẹo Tràng An, trường Cao đẳng nghề và du lịch Nghệ An (cơ sở 2)… nên phần lớn diện tích đất công ích 5% đã được bồi thường cho hai phường này.

Hoàn thiện quản lý thu ngân sách xã: Nhìn từ thực tế địa phương - Ảnh 1

Thu đóng góp của nhân dân: Theo quy định của luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), cấp xã được phép huy động các khoản đóng góp của từ người dân để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường, xã. Những năm qua các phường đã huy động được khoản thu chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong tổng thu 100%, chiếm từ 18-20% (không kể thu kết dư ngân sách). Số liệu trên cho thấy, số thu đóng góp tăng lên hằng năm: Năm 2010 thực hiện được 980 triệu đồng (đạt 131% kế hoạch), năm 2011 số thu được 1.401 triệu đồng (đạt 117% kế hoạch), năm 2012 số thu đạt 1.585 triệu đồng (đạt 132% kế hoạch)...

Thu kết dư ngân sách: Khoản thu này trong các năm 2010, năm 2011 và năm 2012 đã chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu 100% của ngân sách xã. Cụ thể: Khoản thu kết dư ngân sách năm 2010 là 5.521 triệu đồng, năm 2011 là 4.165 triệu đồng và năm 2012 lớn hơn rất nhiều so với hai năm trước đó (17.233 triệu đồng). Nguyên nhân là do nguồn thu lớn ở một số phường vào chậm vào cuối năm nên phường không kịp chi. Bên cạnh đó, nhiều phường có số thu kết dư cao nhưng vẫn còn nợ nhiệm vụ chi, đặc biệt là nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản.

Thu sự nghiệp và thu khác: Các khoản thu sự nghiệp chủ yếu là thu từ sự nghiệp kinh tế như: sản xuất vật liệu xây dựng, các lò gạch... Các khoản thu khác thường là thu thanh lý tài sản, khoản phạt an ninh, phạt dân số kế hoạch hoá gia đình, các khoản thu hồi nợ đọng hay viện trợ từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2010: 1.509 triệu đồng chiếm 3,9% tổng thu ngân sách; Năm 2011: 1.602 triệu đồng chỉ chiếm 2,6 % tổng thu ngân sách; Năm 2012: 3392 triệu đồng, chiếm 5,6 % tổng thu ngân sách.

Giải pháp hoàn thiện quản lý thu ngân sách xã (giai đoạn 2012-2015)

Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách các khoản thu ngân sách xã

Đối với khoản thu từ quỹ công ích 5%, cần xây dựng quy chế quản lý sử dụng đất đai, ao hồ, đầm, vườn cây đất trống phù hợp với luật đất đai, ban hành quy chế đấu thầu đất công điền. Hàng năm, các phường cần bố trí một khoản kinh phí từ ngân sách xã để cải tạo và nuôi dưỡng nguồn thu từ diện tích đất công ích 5% và hoa lợi công sản này, khắc phục tình trạng khoán trắng cho người nhận thầu dễ dẫn đến việc khai thác triệt để, làm giảm chất lượng nguồn thu. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nông thôn…

Đối với các khoản phí và lệ phí, cần công khai và niêm yết mức thu ở các nơi thu phí và lệ phí, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng biên lai thu tiền theo quy định. Thường xuyên rà soát lại các khoản phí lệ phí để điều chỉnh kịp thời mức thu đối với những loại không còn phù hợp, bổ sung kịp thời đối với các khoản phí và lệ phí mới phát sinh trên điạ bàn các phường. Tăng cường sự phối hợp hơn nữa giữa đội thuế với Ban Tài chính phường đối với các khoản phí, lệ phí chưa được chú trọng như thu khoán hàng quán, bãi đỗ xe, lệ phí giao thông nông thôn...

Đối với khoản thu sự nghiệp, không huy động tràn lan, chỉ huy động và sử dụng nguồn vốn do nhân dân đóng góp để xây dựng những công trình có lợi ích thiết thực, trực tiếp với người dân như đường giao thông, nhà văn hoá khối xóm, kênh mương...

Đối với khoản thu bổ sung để cân đối ngân sách, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục nâng tỷ lệ điều tiết một số khoản thuế vẫn chưa mở hết cho xã (Tỷ lệ điều tiết Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ngoài quốc doanh uỷ nhiệm cho UBND ngân sách phường, thị trấn nên nâng tiếp từ 30% lên 50%; Thuế chuyển quyền sử dụng đất, Thuế nhà đất từ 70% lên 100% ). Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa Ban tài chính phường với cơ quan thuế và các tổ chức, cá nhân khác được uỷ nhiệm thu. Xử lý các hành vi vi phạm như nợ thuế chây ỳ, trốn thuế để kịp thời tập trung đầy đủ số thu vào ngân sách nói chung và ngân sách xã nói riêng…

Đối với các khoản thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế nhà đất...), cần phân định rõ ràng phạm vi quyền hạn, trách nhiệm giữa cơ quan thuế với UBND phường và Ban tài chính phường. Các đội thuế ở phường có trách nhiệm tổ chức thu và quản lý các khoản thuế của các hộ phát sinh trên địa bàn mà không điều tiết cho phường. Chi cục thuế Thị xã cần phối hợp với phòng Tài chính - kế hoạch tính toán uỷ nhiệm rộng hơn cho UBND phường thu các khoản thuế của các hộ nhỏ lẻ, các khoản phí, các khoản thuế liên quan đến tỷ lệ điều tiết cho phường như thuế nhà đất, thuế GTGT, thuế TNDN....

Đối với các khoản thu khác, ngay từ đầu quý IV của năm các phường cần rà soát tất cả các nhiệm vụ chi đặc biệt là nhiệm vụ chi xây dựng cơ bản, hoàn tất các thủ tục để thanh toán dứt điểm các khoản tạm ứng, các khoản đã đủ điều kiện chi ... trước khi khoá sổ ngân sách. Ngoài ra phải thực hiện thủ tục chi chuyển nguồn đúng theo luật NSNN đối với những khoản chi trong dự toán năm chưa chi được mà đã có nguồn.

Hai là, nâng cao kỹ năng khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu

Chính quyền cấp phường cần sử dụng tổng hợp các kỹ năng hỗ trợ khai thác thu để hoạt động tổ chức khai thác thu ngân sách xã thực sự có hiệu quả. Theo đó, cần lập kế hoạch xác định đúng những vấn đề trọng tâm trong khai thác nguồn thu ngân sách xã (mục đích của từng khoản thu là gì? Làm thế nào để cho mọi người dân trong phường có thể hiểu và nhất trí với mục đích của từng khoản thu…).

Định kỳ tổ chức tổng kết, khen thưởng động viên kịp thời những tổ chức cá nhân thực hiện tốt công tác thu ngân sách. Tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao nguồn thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Ba là, đẩy mạnh công tác phân cấp thu ngân sách

Mở rộng danh mục đối tượng thu cho ngân sách cấp phường và tương đương trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại... Trong thời gian tới, những khoản thu ngân sách xã được hưởng 100% thì Tỉnh cần tăng tỷ lệ phân chia các khoản thu điều tiết cho cấp phường, cụ thể: Thuế GTGT, thuế TNDN của công thương nghiệp, dịch vụ, ngoài quốc doanh thuộc hộ cá thể từ 50% lên 100%; Lệ phí trước bạ nhà đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, môn bài từ 70% lên 100%; Tiền cấp quyền sử đất thông qua đấu giá từ 15% lên 25% nhằm tạo nguồn lực cho ngân sách địa phương một cách đầy đủ, qua đó phản ánh thực chất cân đối của địa phương, địa phương sẽ thấy rõ tiềm lực tài chính để chủ động phấn đấu…

Bốn là, đẩy mạnh các biện pháp hành chính nhằm xây dựng hệ thống quản lý thu ngân sách xã

- Xây dựng bộ máy hành chính thu ngân sách xã tinh giản, hiệu quả. Phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cấp chính quyền, đơn vị thu nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý hành thu đối với từng khoản thu, sắc thuế, từng địa bàn, từng đối tượng nộp thuế. Thu hẹp các đầu mối quản lý trực tiếp và các khâu chức năng mang tính phục vụ nội ngành để tập trung nguồn nhân lực cho các bộ phận chức năng quản lý thuế chủ yếu như tuyên truyền - hỗ trợ, thanh tra - kiểm tra, xử lý tờ khai dữ liệu thuế... Mở rộng ủy nhiệm thu phường/xã để thu hẹp, tiến tới giải thể phòng trước bạ, phòng quản lý doanh nghiệp dân doanh…

- Đẩy mạnh cải cách hành chính - hiện đại hóa công tác thu ngân sách xã. Xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đối tượng nộp thuế; Rà soát để mở rộng có chọn lọc các doanh nghiệp có đủ điều kiện đưa vào diện thực hiện cơ chế tự khai - tự nộp thuế. Thường xuyên đánh giá lại quy trình, thủ tục về thuế để đề xuất, kiến nghị nhà nước sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tránh gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân nộp thuế…

- Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế trên cơ sở thu thập thông tin, phân tích thông tin và phân loại doanh nghiệp để lựa chọn đúng những đối tượng có hành vi gian lận thuế dưới mọi hình thức. Tập trung thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp, hộ có tình trạng thất thu lớn, các doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế GTGT và trốn thuế TNDN. Thanh tra nội bộ phải được thực hiện quyết liệt, coi đây như phương pháp thúc đẩy quá trình thanh tra các đối tượng nộp thuế.

- Tăng cường biện pháp quản lý đối tượng chịu thuế. Phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức giám sát chặt chẽ việc đăng ký thuế, kê khai thuế, tình hình nộp thuế trên địa bàn để có những biện pháp kịp thời đôn đốc, xử lý mọi vi phạm pháp luật, đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời các nguồn thu phát sinh, các khoản thuế nợ đọng vào NSNN...

- Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền thuế. Tăng cường đối thoại, tập huấn chính sách, chế độ và các thủ tục hành chính thuế, giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật thuế. Thường xuyên thực hiện thăm dò nhu cầu và tổ chức các lớp tập huấn miễn phí phổ biến về chính sách thuế cho từng đối tượng, tích cực tuyên truyền thuế qua phương tiện thông tin đại chúng, báo đài...

- Quản lý con người, phòng chống tiêu cực trong công tác thu NSNN trên địa bàn. Đầu tư tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử đối với người nộp thuế, khả năng ứng dụng tin học trong công tác quản lý thuế của cán bộ công chức. Việc sử dụng chế độ luân phiên các cán bộ thuế cũng rất đáng lưu tâm, không để cho các cán bộ và các đối tượng nộp thuế có thời gian, điều kiện móc ngoặc nảy sinh tiêu cực…