Hoàn thiện quy định pháp luật để ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế thuế giá trị gia tăng (GTGT), ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế.
Cử tri TP. Đà Nẵng phản ánh, thực tế hiện nay các quy định về việc hoàn GTGT cho doanh nghiệp còn có sơ hở, việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng để làm giả hồ sơ thực hiện việc hoàn thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước và gây áp lực cho ngành Tài chính.
Do vậy, cử tri kiến nghị, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất phương thức khác để thay thế việc thực hiện thủ tục hoàn thuế hoặc có quy định chặt chẽ hơn nhằm khắc phục tình trạng này.
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính cho biết, quy định về điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ mua vào, điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các trường hợp được hoàn thuế GTGT thực hiện theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Quy định về thủ tục, hồ sơ hoàn thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội đưa nội dung sửa Luật thuế GTGT vào Chương trình sửa Luật trong thời gian tới.
Bộ Tài chính đề nghị, cử tri TP. Đà Nẵng gửi thông tin cho Bộ Tài chính về trường hợp phát hiện trường hợp cụ thể về hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp còn có sơ hở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng để làm giả hồ sơ thực hiện việc hoàn thuế, gây thất thoát NSNN và gây áp lực cho ngành Tài chính. Từ đó, Bộ Tài chính sẽ có cơ sở nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ mua vào, điều kiện áp dụng thuế suất 0%, các trường hợp được hoàn thuế GTGT tại Luật thuế GTGT đảm bảo quản lý chặt chẽ, không gây thất thoát cho NSNN.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2023, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, với sự giám sát sâu sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự thực hiện kịp thời của cả hệ thống ngành Thuế trong công tác hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế GTGT, đảm bảo kịp thời, đúng quy định pháp luật góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát NSNN trong bối cảnh các hành vi vi phạm, gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng các pháp luật có liên quan để hạn chế, ngăn chặn được tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử nhằm gian lận hoàn thuế, trục lợi NSNN.
Cùng với đó, sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý thuế cần quy định rõ ràng hơn trong việc phân định trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT khi các cơ quan chức năng phát hiện các hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ nội ngành trong công tác giải quyết hoàn thuế; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa, thông minh hóa các khâu trong việc tiếp nhận, giải quyết, chỉ hoàn thuế GTGT để đảm bảo công tác giải quyết hoàn thuế được minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT.
Bộ Tài chính, ngành Thuế sẽ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cộng đồng Hiệp hội, doanh nghiệp, người nộp thuế để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT, từ đó kịp thời có các điều chỉnh phù hợp trong các chỉ đạo điều hành, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý từng thời kỳ.
Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp sẽ đẩy mạnh tuyền truyền cho doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các chính sách pháp luật, nâng cao trình độ của bộ máy kế toán để nâng cao tính tuân thủ, nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử.
Cùng với đó, đồng hành với cơ quan thuế trong việc "nói không" với việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào, phải đảm bảo nguồn gốc hàng hóa tin cậy, tránh tình trạng khi cơ quan thuế kiểm tra, xác minh các điều kiện hoàn thuế thì phát hiện các vấn đề rủi ro như doanh nghiệp cung cấp hàng hóa không kê khai, nộp thuế hoặc “bỏ trốn” để không thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN. Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo kịp thời, đúng quy định khi các hồ sơ, thủ tục đã được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo quy định trước khi gửi hồ sơ đến cơ quan thuế.