Hoàn thiện quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong những năm gần đây, các quy định về ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam được hoàn thiện phù hợp hơn với tình hình thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định quản lý thuế đối với đối tượng này.
Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để có thể hưởng được các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), ngoài tiêu chí xác định là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định của pháp luật nói chung, về chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, thì DNNVV cần đáp ứng một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí phải thực hiện chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ và thực hiện đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện ưu đãi thuế, đồng thời khuyến khích DN thực hiện đúng quy định về sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
Trong giai đoạn 2008 - 2013, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới đã có ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNVV. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quy định về ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ DNNVV, trong đó có ưu đãi thuế TNDN, cụ thể:
Ưu đãi về thuế suất
Từ năm 2008, DNNVV được giảm 30% số thuế TNDN, tuy nhiên, theo quy định một số DNVVV trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, DN được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được giảm thuế. Đến năm 2012, Nhà nước ban hành thêm chính sách ưu đãi thuế TNDN cho DNNVV, đó là miễn thuế TNDN. DN có thu nhập từ hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân được miễn thuế TNDN phải nộp của năm 2012.
Trường hợp DN, tổ chức có hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân nhưng DN, tổ chức vừa thuộc diện DNNVV được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012 theo quy định và vừa thuộc diện được miễn thuế TNDN phải nộp phát sinh năm 2012 đối với thu nhập của hoạt động cung ứng suất ăn ca cho công nhân thì đối với cùng một khoản TNDN, tổ chức được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất.
Ngoài các ưu đãi về giảm thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013 quy định về ưu đãi thuế suất thuế TNDN cho DNNVV. Các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất là 20% trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết năm 2015 (thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng đối với các đối tượng khác là 22%).
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã phù hợp với xu hướng của thế giới và theo đúng lộ trình mà Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức 20% ngay từ ngày 01/7/2013 (sớm hơn so với lộ trình đề ra) và hiện nay mức thuế suất có thời hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn doanh nghiệp khác.
Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20% theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013. Như vậy, kể từ năm 2016, tất cả các DN áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 20%, không phân biệt doanh thu trên hay dưới 20 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa là DNNVV không có chính sách ưu đãi thuế TNDN riêng.
Năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 được thông qua, đánh dấu mốc quan trọng lần đầu tiên chính sách đối với DNNVV được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện dưới hình thức Luật. Theo Luật này, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo địa bàn
Miễn thuế TNDN, áp dụng thuế suất 10% hoặc 15% TNDN đối với một số trường hợp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn...
Chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính, các DN thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp được thực hiện theo mẫu biểu Tờ khai thuế TNDN (mẫu số 04/TNDN) có kết cấu đơn giản hơn rất nhiều so với Tờ khai quyết toán thuế TNDN thông thường. Ngoài ra, quy định về kê khai thuế TNDN cũng mở rộng hơn đối với trường hợp DN không phát sinh doanh thu thường xuyên (thực hiện kê khai thuế TNDN từng lần phát sinh theo tỷ lệ % trên DN, DN không phải kê khai quyết toán năm). Quy định này giúp DN cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính, qua đó giảm được chi phí tuân thủ.
Đối với các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế. Theo đó, DN được trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có kèm theo các hoá đơn, chứng từ hay quy định về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN. Quy định này góp phần hạn chế tình trạng các DN lợi dụng để chuyển giá, trốn thuế. Ngoài ra, việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị… đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, bảo hộ hợp lý đối với các DNNVV.
Kết quả và hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi
Những kết quả đã đạt được
Chính sách ưu đãi thuế đã có những tác động nhất định đối với DNNVV, góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (như tăng tích lũy vốn cho DN, giúp DN thu hồi vốn nhanh, hoặc tạo điều kiện cho DN có nguồn vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, cải tiến sản phẩm, dịch vụ) thúc đẩy tăng trưởng GDP và tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định xã hội...
Quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tương đối cao và hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn này. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế đã giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Mặc dù, giai đoạn 2008 - 2013, kinh tế trong nước và thế giới có rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của DNNVV nhưng khu vực này vẫn đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước (NSNN). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010, DNNVV đạt 181,06 nghìn tỷ đồng, chiếm 41%; năm 2011 đạt 181,21 nghìn tỷ đồng, chiếm 34%; năm 2012 đạt 205,26 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% và năm 2013, đạt 184,65 nghìn tỷ đồng chiếm 29%.
Luật Thuế TNDN đã phù hợp với xu hướng của thế giới và theo đúng lộ trình mà Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra. DNNVV được áp dụng mức 20% ngay từ ngày 01/7/2013 (sớm hơn so với lộ trình đề ra) và hiện nay mức thuế suất có thời hạn cho DNNVV thấp hơn DN nghiệp khác.
Quy định về ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tương đối cao và hấp dẫn, thu hút các DNNVV đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn này. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế đã giúp DNNVV giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Một số tồn tại, hạn chế
Mặc dù, các quy định ưu đãi thuế TNDN đã góp phần hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, thách thức, song hiệu quả đạt được còn thấp. Việc mở rộng chính sách ưu đãi thuế cũng được cho là nguyên nhân làm thu hẹp và giảm tính bền vững của quy mô động viên NSNN. Chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DNNVV thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm và chưa mang tính liên tục, quá trình triển khai vẫn còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao trong ứng dụng vào thực tiễn, cụ thể như sau:
- Sự hỗ trợ từ thuế nhằm giúp DNNVV trong giai đoạn suy thoái kinh tế là chưa nhiều so với nhu cầu về nguồn lực tài chính để giúp DNNVV vượt qua khó khăn. DNNVV gặp khó khăn lớn nhất là hàng hóa tồn kho nhiều, lợi nhuận thấp hoặc bị lỗ, nên chính sách ưu đãi thuế TNDN không phát huy tác dụng nhiều.
- Năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời đã đánh dấu sự cải cách chính sách thuế TNDN mang tính dài hạn cho DNNVV, nhưng cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể là DNNVV được hưởng mức thuế suất thuế TNDN bao nhiêu?
- Căn cứ để xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN là doanh thu chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập. Quy định này làm phát sinh chi phí quản lý, cơ quan thuế phải tìm thông tin về doanh thu của DN. Đồng thời, với cùng quy mô DN, một số ngành nghề có tỷ suất lợi nhuận cao sẽ có thu nhập cao hơn.
- Chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế TNDN chưa phù hợp, chưa bao quát hết các đối tượng, lĩnh vực, như: DNNVV khởi nghiệp; nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn (lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học - công nghệ); cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV...
- Quy định khấu hao tài sản của Luật thuế TNDN đối với các DNNVV chưa hợp lý. Luật thuế TNDN mới cho phép các DN có hiệu quả khấu hao nhanh nhưng không quá 2 lần mức khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Tuy nhiên, chính sách này không phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Chưa có quy định riêng cho các DNNVV dẫn tới sự áp dụng thiếu linh hoạt và sai đối tượng cần ưu tiên.
- Chính sách ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn khá cao nhưng vẫn khó thu hút nhà đầu tư, bởi khi đầu tư vào những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì ngoài vấn đề liên quan đến thuế, DNNVV còn gặp khá nhiều tồn tại. Do đó, chính sách ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra.
- Mặc dù, Chính phủ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế TNDN, song thực tế hiện nay còn có một số thủ tục rườm rà, phức tạp, nhất là đối với DNNVV với bộ máy kế toán còn chưa chuyên nghiệp, mang tính kiêm nhiệm.
Nguyên nhân của những hạn chế
Nguyên nhân của những hạn chế là do vẫn còn tồn tại trong nhận thức chưa coi trọng thành phần kinh tế tư nhân, chưa tập trung phát triển khu vực DNNVV. Tư duy chậm đổi mới, vẫn coi DN là đối tượng quản lý, chưa coi là đối tượng cần được khuyến khích, hỗ trợ phát triển.
Công tác thể chế hóa cũng còn nhiều bất cập, chưa đẩy mạnh tham khảo ý kiến cộng đồng DN, chủ yếu là dựa trên suy xét, phân tích tình hình thực tế và trên cơ sở những mong muốn quản lý của cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản pháp luật, nên thiếu tính khách quan, thực tiễn và khả thi thấp. Bên cạnh đó, việc dự báo, đánh giá tác động chính sách còn chưa đầy đủ, khách quan.
Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, rào cản thương mại và chính sách bảo hộ có xu hướng gia tăng nên cơ quan quản lý chưa dự báo hết khó khăn, thách thức đối với DN để có chính sách, quy định phù hợp, mang tính chiến lược dành cho DNNVV.
Sự yếu kém từ nội tại các DNNVV dẫn tới trình độ hiểu biết về pháp luật và tính tuân thủ pháp luật thuế còn rất nhiều hạn chế. DN thiếu tính minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nhiều DNNVV không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế hoặc chưa tận dụng được tối đa những ưu đãi của pháp luật thuế.
Hoàn thiện quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần rà soát lại tổng thể để loại bỏ những chính sách ưu đãi thuế không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực NSNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 25/2016/QH14: “Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế... hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các luật thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi thuế”.
Thứ hai, có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với DNNVV trong các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học - công nghệ; cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV và nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ ba, điều chỉnh giảm thuế suất đối với DNNVV, mặc dù giảm thuế suất thuế TNDN, sẽ dẫn đến giảm thu NSNN, nhưng sẽ kích thích đầu tư, tăng GDP, đảm bảo tính cạnh tranh của Việt Nam với khu vực và trên thế giới (phổ biến ở các mức 10%, 15%, 17%, 19% và 20%). Khảo sát về mối quan hệ giữa mức tăng trưởng GDP và thuế TNDN năm 2012 của các quốc gia trên thế giới cho thấy, tốc độ tăng GDP có xu hướng cao hơn ở các nước có thuế TNDN thấp. Theo đó, có 02 phương án áp dụng phổ biến sau:
(i) Áp dụng thuế suất thuế TNDN 17%. Theo phương án này thì tác động chưa thực sự lớn đối với DNNVV và NSNN sẽ giảm thu khoảng 2.584 tỷ đồng/năm;
(ii) Áp dụng mức thuế suất thuế TNDN 15%. Theo phương án này sẽ giảm thu ngân sách khoảng 5.168 tỷ đồng/năm, nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế TNCN, vì số tiền giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư.
Thứ tư, áp dụng hình thức khấu trừ thuế đầu tư đối với DNNVV khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ kinh doanh. Một trong những khó khăn của DNNVV là thiếu vốn kinh doanh, vậy Nhà nước có thể hỗ trợ cho DN khi họ đầu tư mua sắm tài sản cố định phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua hình thức khấu trừ thuế đầu tư (cho trừ chi phí đầu tư một lần khi tính thuế TNDN, hoặc giảm tỷ lệ % nhất định đối với các chi phí đầu tư khi tính thuế TNDN dựa trên giá trị tài sản cố định đầu tư). Để tránh trường hợp lợi dụng, có thể quy định cụ thể danh mục tài sản cố định được áp dụng hình thức này và thời gian tối thiểu thanh lý đối với tài sản này.
Thứ năm, để xác định DNNVV hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN nên căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu. Quy định này giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý, tạo sự công bằng giữa các DN cùng quy mô.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế đối với DNNVV như: DN siêu nhỏ chỉ nộp tờ khai thuế TNDN 1lần/ năm; tờ khai thuế TNDN nên được thiết kế đơn giản hơn, chỉ cần một số chỉ tiêu (Doanh thu; chi phí trong năm; thu nhập trong năm; các khoản điều chỉnh mà không cần kèm theo các Phụ lục hay báo cáo tài chính như hiện tại)...
Thứ bảy, cần đưa ra những khuyến khích mạnh mẽ đối với việc kê khai thu nhập, khuyến khích việc thực hiện các giao dịch minh bạch, rõ ràng qua ngân hàng; thực hiện tốt sổ sách, kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan thuế nên đưa ra những khuyến cáo đối với DNNVV về những rủi ro của kiểm toán và thanh tra, kiểm tra thuế; thực hiện truy tố trước pháp luật...
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013;
2. Quốc hội (2014), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8, số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014;
3. Quốc hội (2017), Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 ngày 12/ 6/2017;
4. Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội;
5. Nghị định số 101/2011/NĐ-CP ngày 04/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội;
6. Bộ Tài chính (2013), Thông tư số 03/2009/TT-BTC ngày 13/01/2009 hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế TNDN theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP;
7. Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 140/2012/TT-BTC ngày 21/8/2012 hướng dẫn chi tiết về đối tượng, điều kiện được miễn, giảm thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng năm 2012.