Vì sao căn cứ vào doanh thu và số lượng lao động để ưu đãi thuế đối với DNNVV?


Câu hỏi này đã được bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) lý giải trong đề xuất xây dựng Nghị quyết về giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Quốc hội đã có nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nhóm DNNVV.
Quốc hội đã có nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nhóm DNNVV.

PV: Thưa bà, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có nhiều quy định ưu đãi cho các DNNVV, nhưng vì sao Bộ Tài chính vẫn đề xuất xây dựng Nghị quyết giảm thuế TNDN cho nhóm DN này?

Bà Nguyễn Thị Hằng.
Bà Nguyễn Thị Hằng.

Bà Nguyễn Thị Hằng: Năm 2016 để triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có các DNNVV. Đến năm 2017, Bộ Tài chính xây dựng dự án một luật sửa 6 luật, trong đó có tổng hợp những chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN.

Khi xây dựng 1 luật sửa 6 luật, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành về các chính sách đưa ra, nhưng sau đó Chính phủ đã chỉ đạo không làm luật này, mà tách ra ưu tiên sửa Luật Thuế TNDN, TTĐB và GTGT trước. Mặc dù vậy, hiện nay việc sửa Luật Thuế TNDN, TTĐB, GTGT vẫn chưa được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật 2019 của Quốc hội.

Vấn đề đặt ra là, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018 đã có quy định ưu đãi thuế cho các DN này, nhưng các mức thuế ưu đãi lại được quy định cụ thể trong các luật thuế khác nhau. Để các DN được hưởng thuế suất ưu đãi, thì phải chờ sửa các Luật Thuế TNDN, GTGT, TTĐB theo đúng quy trình. Nhưng nếu chờ sẽ không đảm bảo lộ trình thực hiện của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Do đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DNNVV để đảm bảo triển khai theo đúng lộ trình của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Tại Luật Hỗ trợ DNNVV, tiêu chí phân chia đối tượng DN  bao gồm cả tổng doanh thu, số lượng lao động, số vốn cũng như ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết về giảm thuế TNDN, Bộ Tài chính  chỉ chọn doanh thu và lao động làm tiêu chí ưu đãi thuế. Bà có thể lý giải về quan điểm này?

Theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, thì DNNVV phải kết hợp bao gồm nhiều tiêu chí cả về tổng doanh thu, số lao động, ngành nghề lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí vốn hay phân biệt theo lĩnh vực, ngành nghề làm cơ sở xác định đối tượng được ưu đãi sẽ có nhiều bất cập. Bởi khi đó, đặt trong xu thế DN sản xuất kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, thì tổng số vốn ghi trên bảng thống kê tài sản sẽ phải bao gồm cả vốn đăng ký và vốn vay, nên không phản ánh đúng quy mô hoạt động của DN.

Trong khi thực tế cho thấy, vốn đăng ký kinh doanh của DN khác rất xa so với số vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nên không có nhiều ý nghĩa cho công tác quản lý. Vì vậy, việc sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau theo từng ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho cả việc thực hiện của DN cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế.

Còn ngược lại, việc sử dụng tiêu chí doanh thu vừa có ưu điểm là phản ánh đúng thực chất tình hình sản xuất kinh doanh của DN, vừa phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Thực tế trước đây, giai đoạn từ năm 2008-2015 khi kinh tế suy thoái, Quốc hội đã có nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nhóm DNNVV, trong đó cũng căn cứ trên tiêu chí doanh thu.

Về tiêu chí lao động, để đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng cần hỗ trợ, dự thảo nghị quyết đề cập DNNVV phải có có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); nếu tổng doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ). 

Mặc dù Chính phủ có chủ trương hỗ trợ các DN khởi nghiệp (starup), tuy nhiên dự thảo nghị quyết lại không đề cập đến nhóm đối tượng này, lý do tại sao thưa bà?

Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN starup. Qua nghiên cứu của Bộ Tài chính cho thấy, các DN startup thường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và có quy mô nhỏ. Luật Thuế TNDN hiện nay đã có những ưu đãi cao đối với các DN này. Trong dự thảo nghị quyết này, cũng có nhiều quy định ưu đãi đối với DNNVV, trong đó bao gồm cả các DN startup.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì nghị quyết phải được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019. Hiện, dự thảo nghị quyết cũng đang theo quy trình đó. Dự kiến đến tháng 10/2019 mới trình, nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.

Xin cảm ơn bà!