Hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án
Sau một năm thực thi, Thông tư số 72/2017/TT-BTC về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã giúp công tác kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án cơ bản có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai hiện nay vẫn còn tồn tại một số vướng mắc cần hoàn thiện. Nhận diện những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án hiện nay.
gày 17/7/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 72/2017/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án (QLDA) của các chủ đầu tư, ban QLDA sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2017 và thay thế cho Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014.
Khảo sát thực tiễn cho thấy, mặc dù Thông tư số 72/2017/TT-BTC đã quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc quản lý và hoạt động thu, chi, thanh toán, quyết toán liên quan đến QLDA… tuy nhiên, sau gần một năm thực thi công kiểm soát, thanh toán hoạt động QLDA tại các địa phương vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục tháo gỡ như sau:
Đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án nhóm I
Điều 9, mục 1, Chương II, Thông tư số 72/2017/TT-BTC về lập dự toán thu, chi quản lý dự án quy định: “Chủ đầu tư, Ban QLDA quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng không phải lập và duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án; nhưng phải tuân thủ các nội dung quy định tại Điều 11 Thông tư này và không vượt định mức trích theo quy định”. Như vậy, có thể hiểu quy định này cụ thể như sau:
- Chủ đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư giao (trừ trường hợp người quyết định đầu tư giao Ban QLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành và ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư), thì không phải lập và duyệt dự toán thu, chi quản lý dự án nhưng phải lập nội dung dự toán chi (mẫu số 04/DT- QLDA). Đối với nội dung này, khi cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư giao cho tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư dự án thì không có nguồn thu từ công tác QLDA mang lại, mà chỉ thực hiện 18 nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt để phục vụ cho công tác QLDA của chủ đầu tư.
- Ban QLDA quản lý một dự án (theo quy định tại Điều 19, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP) có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng thì không phải lập và duyệt dự toán thu, chi QLDA. Tuy nhiên, theo Điều 19, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư là người có thẩm quyền quyết định thành lập Ban QLDA để quản lý một dự án quy mô nhóm A có công trình xây dựng cấp đặc biệt, áp dụng công nghệ cao được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản, dự án về quốc phòng, an ninh có yêu cầu bí mật nhà nước, dự án sử dụng vốn khác.
Theo đó, Ban QLDA quản lý một dự án là tổ chức sự nghiệp trực thuộc chủ đầu tư, có tư cách pháp nhân độc lập, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước (KBNN) và ngân hàng thương mại (NHTM), để thực hiện các nhiệm vụ QLDA được chủ đầu tư giao; Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về hoạt động QLDA của mình. Căn cứ quy định này, có thể hiểu các Ban QLDA quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng sẽ không phải thực hiện đầy đủ chức năng của một đơn vị sự nghiệp (vì không có nguồn thu), đồng thời không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án.
- Ban QLDA quản lý một dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên thì phải lập và duyệt dự toán thu, chi QLDA. Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 12, Thông tư số 72/2017/TT-BTC, chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi QLDA theo mẫu số 01/QĐ-QLDA (không phân biệt tổng mức đầu tư). Tương tự, Điều 23 Thông tư số 72/2017/TT-BTC cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư và các ban QLDA nhóm I, đó là: Thực hiện lập dự toán, thẩm định, phê duyệt (đối với chủ đầu tư), hoặc trình cấp thẩm quyền (đối với Ban QLDA đầu tư xây dựng 1 dự án) phê duyệt dự toán chi phí QLDA (nội dung này cũng không quy định tổng mức đầu tư ở mức dưới 15 tỷ đồng, bằng 15 đồng tỷ hay trên 15 tỷ đồng)... Như vậy, trường hợp Ban QLDA nhóm I quản lý dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên thì chủ đầu tư sẽ phê duyệt dự toán thu, chi QLDA, không chỉ phê duyệt dự toán chi phí QLDA.
Tóm lại, nội dung quy định giữa các điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC chưa rõ ràng, thống nhất và triển khai ở cấp thực hiện trong việc lập, phê duyệt dự toán thu, chi QLDA, gây khó khăn cho trong áp dụng triển khai. Đơn cử như theo Điều 9, Điều 12 và Điều 23 Thông tư số 72/2017/TT-BTC, chủ đầu tư chỉ cần lập và phê duyệt dự toán chi (Mẫu số 04/DT-QLDA), không phải lập và phê duyệt dự toán thu, chi QLDA cho chính mình (Mẫu số 01/QĐ-QLDA). Tuy nhiên, lại phải có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi QLDA của Ban QLDA quản lý một dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên...
Vấn đề đặt ra là về biểu mẫu phê duyệt dự toán thu, chi QLDA (Mẫu số 01/QĐ-QLDA) cơ bản giữa Thông tư số 72/2017/TT-BTC và Thông tư số 05/2014/TT-BTC tương tự nhau, tuy nhiên đối với ban QLDA quản lý một dự án có tổng mức đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng, do không phải lập và duyệt dự toán thu, chi QLDA (Điều 9, Thông tư số 72/2017/TT-BTC), cho nên sẽ không thể gửi cho KBNN quyết định phê duyệt dự toán thu, chi QLDA. Mặt khác, cũng theo quy trình này thì hồ sơ, tài liệu gửi lần đầu theo khoản 1, Điều 8, Quyết định số 5657/QĐ-KBNN thì chủ đầu tư không phải gửi dự toán chi phí QLDA (Mẫu số 04/DT-QLDA)...
Đối với công tác quản lý, sử dụng các khoản thu của các ban quản lý dự án nhóm II
Đối với việc sử dụng kết quả hoạt động tài chính năm, theo Điều 19 Thông tư số 72/2017/TT-BTC, ban LQDA được sử dụng theo trình tự sau:
- Trích lập tối thiểu 25% để lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp;
- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định;
- Trích lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm;
- Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 72/2017/TT-BTC cũng quy định rất rõ về việc sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập chi trong các trường hợp sau: Tạm ứng các khoản chi thường xuyên khi đầu năm chưa có kế hoạch vốn, chưa có nguồn thu hoặc chưa có dự toán; Chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trường hợp nguồn thu bị giảm. Trong khi đó, tùy theo kết quả hoạt động tài chính trong năm, Ban QLDA được quyết định tổng mức chi trả thu nhập tăng thêm trong năm cho người lao động không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Thực tế này cho thấy, những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, như:
- Tại Điều 19 Thông tư số 72/2017/TT-BTC quy định việc sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm không có nội dung chi “Thu nhập tăng thêm”, trong khi đó, tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 72/2017/TT-BTC lại quy định thu nhập tăng thêm cho người lao động. Như vậy có thể hiểu, việc sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm, trước hết ban QLDA xem xét chi thu nhập tăng thêm không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, đảm bảo tính kịp thời, góp phần động viên người lao động, sau đó số kinh phí còn lại mới trích lập các Quỹ theo thứ tự ưu tiên. Bởi vì, tại khoản 2, Điều 20 Thông tư số 72/2017/TT-BTC quy định việc chi từ Quỹ bổ sung thu nhập không có nội dung chi thu nhập tăng thêm mà chỉ quy định chi bổ sung thu nhập trong năm cho các trường hợp; Tạm ứng cho các khoản chi thường xuyên, khi đầu năm chưa có kế hoạch vốn được giao, chưa có nguồn thu hoặc chưa duyệt dự toán; khi có kế hoạch vốn được giao, dự toán được duyệt hoặc có nguồn thu thì thực hiện hoàn trả về Quỹ bổ sung thu nhập; Chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm và dự phòng chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu nhập bị giảm.
- Trong trường hợp không chi thu nhập tăng thêm mà thực hiện trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, sau đó chi bổ sung thu nhập trong năm (thay cho nội dung chi thu nhập tăng thêm) cho người lao động thì thực hiện theo mức nào? Lúc này, nếu chi theo trình tự quy định tại Điều 19 Thông tư số 72/2017/TT-BTC thì sau khi trích lập tối thiểu 25% để lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp mới trích lập Quỹ bổ sung thu nhập, nếu còn nguồn thì tiếp tục trích lập các quỹ khác theo quy định.
Như vậy, việc chi bổ sung thu nhập trong năm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ không kịp thời và khó đạt ở mức thu nhập không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và phụ cấp… để động viên người lao động. Đồng thời, Quỹ bổ sung thu nhập sẽ khó tạo được nguồn kinh phí dự phòng để chi bổ sung thu nhập cho người lao động năm sau trong trường hợp nguồn thu bị giảm.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu các cơ quan liên quan cần xem xét, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định tại Điều 18, 19 và 20 mục 2, chương II Thông tư số 72/2017/TT-BTC nhằm thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như phù hợp với quy định tại Điều 13 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
Về việc mở và sử dụng tài khoản
Khoản 1, khoản 3 Điều 6 Thông tư số 72/2017/TT-BTC và Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 27/7/2017 của Bộ Tài chính quy định, các chủ đầu tư, Ban QLDA phải mở một tài khoản giao dịch tại KBNN (TK 3731) để phản ánh các khoản thu, chi từ hoạt động QLDA của tất cả các dự án được giao quản lý. Riêng đối với ban QLDA khu vực, ban QLDA chuyên ngành có hoạt động dịch vụ được mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc KBNN để phản ánh các khoản thu, chi của hoạt động dịch vụ. Trường hợp các Ban QLDA thuộc nhóm II mở tài khoản tiền gửi tại KBNN (các đơn vị này đều thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP), do đó cần mở các tài khoản để theo dõi nguồn thu từ hoạt động QLDA đúng với quy định tại Điều 2 Thông tư số 77/2017/TT-BTC.
Thực tế, ngoài tài khoản 3731, các ban QLDA còn được mở thêm tài khoản tiền gửi 3712 (để phản ánh việc thu và sử dụng nguồn kinh phí có nguồn gốc từ phí để lại đơn vị) và tài khoản 3714 (để phản ánh việc thu và sử dụng nguồn kinh phí có nguồn gốc từ thu sự nghiệp khác được để lại đơn vị). Tuy nhiên, về kiểm soát thanh toán chi phí QLDA đối với trường hợp “Chủ đầu tư, ban QLDA chỉ quản lý một dự án trong trường hợp không mở tài khoản tiền gửi tại KBNN… việc tạm ứng, thanh toán chi phí QLDA được thực hiện trực tiếp từ tài khoản thanh toán”, quy định tại khoản 2, Điều 8, Chương III, Quyết định số 5657/QĐ-KBNN chưa phù hợp, thống nhất với quy định tại Thông tư số 72/2017/TT-BTC. Đối với chủ đầu tư, Ban QLDA chuyên ngành, khu vực, ban QLDA quản lý từ 2 dự án trở lên thì được mở 01 hoặc 02 tài khoản tiền gửi. Điều này gây khó khăn cho các KBNN, nhất là KBNN địa phương trong việc kiểm soát chi các tài khoản tiền gửi của ban QLDA.
Do vậy, cần bổ sung, sửa đổi quy định mở tài khoản theo Quyết định số 5657/QĐ-KBNN cho thống nhất với Thông tư số 72/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, hoặc sửa đổi Thông tư số 72/2017/TT-BTC theo hướng: Đối với chủ đầu tư, Ban QLDA quản lý một dự án không nhất thiết phải mở tài khoản tiền gửi để phản ánh các khoản thu, chi từ hoạt động QLDA của tất cả các dự án được giao quản lý mà thực hiện thanh toán chi phí QLDA trực tiếp từ tài khoản thanh toán vốn đầu tư của dự án, vừa tạo sự thống nhất giữa các văn bản pháp quy, vừa tạo thuận lợi cho cấp cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án qua tài khoản tiền gửi tại KBNN
Thông tư số 72/2017/TT-BTC về sử dụng kết quả hoạt động tài chính năm quy định, có thể trích lập tối thiểu 25% để lập Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp; Trích lập bổ sung Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ Khen thưởng, phúc lợi; phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các Quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp. Như vậy, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan thì ban QLDA nhóm II được quyền quyết định chi theo các nội dung quy định tại Điều 19, Thông tư số 72/2017/TT-BTC trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ.
Vấn đề đặt ra là việc trích lập các Quỹ để chuyển nguồn kinh phí còn lại vào tài khoản nào cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho ban QLDA nhóm II sử dụng theo các trường hợp sau:
Trường hợp ban QLDA nhóm II mở thêm tài khoản 3713 (tiền gửi khác, không do NSNN cấp) để khi kết thúc năm, xác định được kết quả hoạt động tài chính năm (số chênh lệch thu lớn hơn chi trong năm), thì Ban BQLDA nhóm II thực hiện trích từ tài khoản 3731, 3712, 3714 về tài khoản 3713 để sử dụng theo nội dung quy định tại Điều 19 Thông tư số 72/2017/TT-BTC.
Về nguyên tắc KBNN không kiểm soát chi, chấp thuận thanh toán theo đề nghị của đơn vị. Tuy nhiên, theo Điều 20, Thông tư số 72/2017/TT-BTC, Ban QLDA nhóm II lại được sử dụng các Quỹ theo Quy chế chi tiêu nội bộ, vì vậy KBNN căn cứ Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để kiểm soát chi.
Đối với việc mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị… từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, KBNN sẽ gặp khó khăn khi căn cứ vào Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để kiểm soát chi. Bởi vì, theo điểm b, khoản 3, Điều 12 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp dùng để “đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; phát triển năng lực hoạt động sự nghiệp; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho người lao động trong đơn vị; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (đối với đơn vị được giao vốn theo quy định) để tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và các khoản chi khác (nếu có)”.
Trường hợp Ban QLDA nhóm II không mở tài khoản 3713 để trích lập quỹ mà chi trực tiếp từ tài khoản 3731, 3712, 3714 cho các nội dung chi và theo tỷ lệ trích quy định tại Điều 19 trên cơ sở kết quả hoạt động tài chính năm của từng tài khoản và căn cứ kiểm soát chi là Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Như vậy, ban QLDA và cơ quan KBNN sẽ khó khăn trong việc xác định chính xác mức trích nguồn kinh phí có trên các tài khoản mà đơn vị được quyền sử dụng phù hợp với nội dung chi của từng Quỹ.
Để đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí NSNN cấp cũng như nguồn kinh phí có nguồn gốc từ NSNN, đồng thời nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ban QLDA nhóm II, thời gian tới cũng cần xem xét, sửa đổi, bổ sung cơ chế về các nguồn, nội dung và mức trích cũng như việc kiểm soát, thanh toán từ các nguồn do kết quả hoạt động tài chính năm mang lại. Có như vậy mới tạo điều kiện hỗ trợ cho các Ban QLDA nhóm II; đồng thời giúp cho cơ quan KBNN thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi đúng quy định và mang lại hiệu quả cao.