Hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính, tạo lực hút vốn FDI


Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất khu vực, trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, hiệu quả với nền tảng kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định ... Có được kết quả này chính là do Việt Nam không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính, đặc biệt chú trọng các ưu đãi về thuế để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong nhiều năm qua, chính sách tài chính có vai trò quan trọng trong việc động viên, thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng. Xác định được vai trò quan trọng này, Chính phủ Việt Nam đã thường xuyên rà soát nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực FDI. Trong đó, tiêu biểu là một số chính sách như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào Việt Nam.

Ưu đãi thuế là một bộ phận của chính sách FDI luôn đặt trong mối quan hệ với định hướng và tổng thể chính sách FDI. Do vậy, trong chính sách ưu đãi tài chính thường tập trung vào chính sách thuế như: Thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, để phục vụ các chiến lược và định hướng chuyển đổi nền kinh tế, hệ thống chính sách về thuế tiếp tục được cải cách với nhiều nội dung thay đổi quan trọng, trong đó chú trọng giảm thuế suất thuế phổ thông. Mức thuế suất phổ thông qua các lần sửa đổi Luật Thuế TNDN theo xu hướng giảm, từ 28% trong giai đoạn 2001-2008 xuống còn 25% trong giai đoạn 2009-2013, 22% trong giai đoạn 2014-2015 và 20% từ ngày 01/01/2016...

Hiện nay, mức thuế suất ưu đãi cao nhất là 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới trong một số lĩnh vực đặc thù, khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, phần mềm, năng lượng tái tạo, lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Về ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu, một số ưu đãi thuế xuất khẩu, nhập khẩu đang được áp dụng như: (i) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công cho nước ngoài và khi xuất trả sản phẩm cho phía nước ngoài thì được miễn thuế xuất khẩu; (ii) Hàng hóa nhập khẩu để gia công được miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất và hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 275 ngày kể từ ngày mở tờ khai hải quan; hàng hóa tạm nhập tái xuất có thể được kéo dài thời gian nộp thuế tới 15 ngày kể từ ngày hết hạn; (iii) Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa để tạo tài sản cố định đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực khuyến khích đầu tư và các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế suất thuế TNDN và đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế đã góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, đến nay, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư từ 130 quốc gia/vùng lãnh thổ. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương và đầu tư vào hầu hết các ngành nghề sản xuất - kinh doanh của Việt Nam. Việc miễn, giảm thuế đã thúc đẩy gia tăng doanh thu xuất khẩu qua các năm, đặc biệt là xuất khẩu của khu vực FDI.

Mặc dù chịu sự tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.