Không bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn FDI chất lượng cao
Việt Nam có khá nhiều điểm hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, ngoài chỉ đạo của Bộ Chính trị, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài là động thái mới nhằm tăng cường thu hút vốn FDI có chất lượng cao, thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với bối cảnh mới trong nước và thế giới.
Để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài trên tinh thần chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến hợp tác đầu tư cùng có lợi, tăng thu hút những dự án chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và có sự lan tỏa, cũng như thúc đẩy hình thành và hỗ trợ triển khai hiệu quả các chuỗi dự án liên kết, mới đây Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã được thành lập theo Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng làm Phó Tổ trưởng Thường trực với một Phó Tổ trưởng nữa là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Các thành viên bao gồm: Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Ngân hàng Nhà nước.
Đây là một động thái mới, đúng đắn và kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thu hút FDI có chất lượng cao.
Việt Nam hiện có hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư thế giới suy giảm khoảng 40% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 thì việc dòng FDI vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay chỉ giảm 13,7% vốn đăng ký mới và giảm 5% vốn thực hiện là một minh chứng về sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút các dòng đầu tư FDI công nghệ cao trong xu hướng tăng cường dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào một thị trường ở khu vực và thế giới.
Đơn cử, theo hãng tin Nikkei, bắt đầu từ tháng 3/2020, Apple đã triển khai kế hoạch sản xuất hàng loạt AirPods, với mức tăng sản xuất 3-4 triệu chiếc AirPod hoặc khoảng 30% mẫu tai nghe không dây tại Việt Nam trong quý II/2020. Google, Microsoft, Panasonic đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất từ các nước trong khu vực vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot cũng coi Việt Nam là một trong những điểm đến của chuỗi cung ứng...
Việt Nam có khá nhiều điểm hấp dẫn dòng FDI. Đó là quy mô dân số lớn và số người gia nhập tầng lớp trung lưu ngày càng tăng; lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao; chi phí lao động thấp hơn và giá thuê các khu công nghiệp trung bình cũng thấp hơn 45 đến 50% so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia).
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện ở nhóm thấp nhất Đông Nam Á, cùng với đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, thị thực.
Thêm nữa, với vị trí địa lý đắc địa, môi trường chính trị-xã hội ổn định, kinh tế phát triển liên tục, việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA) và sự khống chế thành công COVID-19 của Việt Nam… cũng là điểm cộng lợi thế để Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.
Dòng FDI chất lượng cao không chỉ có quy mô vốn và hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu ứng lan tỏa công nghệ, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao của sản phẩm mà còn cho phép định vị chuỗi cung ứng giá trị và vị thế mới cho nước tiếp nhận đầu tư trong mạng sản xuất, công nghệ, cũng như cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ toàn cầu... Tuy nhiên, dòng dự vốn này thường khó tính, dù luôn được các nước trên thế giới chào đón nhưng không mặc định tự chảy vào bất kỳ nước nào, kể cả nước có nhu cầu và cả lợi thế so sánh cao.
Bởi vậy, để không bỏ lỡ cơ hội tăng thu hút FDI chất lượng cao, phấn đấu đạt tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, chúng ta cần tầm nhìn chiến lược, các chủ trương đúng đắn và kế hoạch cụ thể, với môi trường thể chế, đội ngũ nhân lực chuyên trách thích hợp mà Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW đã nêu rõ.
Theo đó trước hết, cần xây dựng đồng bộ các tiêu chí về dự án FDI chất lượng cao phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu hướng khoa học công nghệ thế giới; tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện quản lý một số khu công nghiệp trọng điểm dành riêng tiếp nhận các dự án FDI quan trọng.
Xây dựng các danh mục dự án, lĩnh vực cần thu hút FDI chất lượng cao trong quy hoạch quốc gia tổng thể; chủ động xây dựng và triển khai các kê hoạch xúc tiến, vận động đầu tư chuyên ngành, chuyên nghiệp và có tính đặc thù cao, để tiếp cận, mời gọi, nghiên cứu đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu của các chủ đầu tư dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt về bảo vệ sở hữu trí thuệ, khắc phục tình trạng tham nhũng, cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng, các ưu đãi thuế, đất đai, lao động, cơ sở hạ tầng và thể chế quản lý liên quan…
Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng đáp ứng nhu cầu tham gia mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia sắp đầu tư ở Việt Nam.
Tổ công tác của Chính phủ và các cơ quan liên quan về thu hút FDI cần có thẩm quyền và năng lực cao, với người đứng đầu các cơ quan quản lý và đội ngũ tham mưu là các chuyên gia, tư vấn chính sách, các đại diện thương mại và ngoại giao - những nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực nắm bắt và thiết kế chính sách đáp ứng nhanh, trúng nhu cầu, điều kiện mà nhà đầu tư cần, để tạo đột phá thể chế thu hút các dự án FDI chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Bên cạnh việc thúc đẩy các dự án đầu tư công nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp các khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn, cần biến các nhu cầu đầu tư mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Việt Nam thành cơ hội thu hút các dự án FDI chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Đồng thời, cũng cần chủ động vượt qua các thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao, như sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh và sức ép bị thâu tóm với doanh nghiệp nội địa…
Để không bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI chất lượng cao cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thân thiện môi trường; khắc phục dự án vốn mỏng," chuyển giá, đầu tư "chui, núp bóng", công nghệ thấp và các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế.