Hoàn thiện thể chế, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bảo Thương

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Tờ trình trình Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác này.

Cần rà soát lại các khái niệm này để đảm bảo tính bao quát, rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
Cần rà soát lại các khái niệm này để đảm bảo tính bao quát, rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Theo Tờ trình của Bộ Tài chính, Luật THTK, CLP được Quốc hội khoá XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26/11/2013, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Qua gần 10 năm thực hiện Luật, công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật THTK, CLP đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP trong các lĩnh vực đã có những chuyển biến cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Đất nước.

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Bộ Tài chính, trong quá trình triển khai, việc thi hành Luật đến nay đã bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung.

Kể từ khi Luật THTK, CLP năm 2013 được ban hành và có hiệu lực (ngày 1/7/2014), Quốc hội đã ban hành nhiều Luật mới có liên quan, trong đó có nhiều luật chuyên ngành được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như: Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017), Luật Đầu tư công (năm 2014 và năm 2019)… Chính vì vậy, đã làm cho một số quy định tại Luật THTK, CLP có những điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Song song với đó, tại Luật THTK, CLP năm 2013 đã đưa ra các khái niệm về “tiết kiệm”, “lãng phí” (khoản 1, khoản 2 Điều 3). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các khái niệm này chưa thể hiện đầy đủ, bao quát hết các trường hợp, nhất là khi áp dụng cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và trong Nhân dân.

Đồng thời, các khái niệm này cũng được cho là "khó xác định" thế nào là tiết kiệm, lãng phí đối với những lĩnh vực không có định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Do đó, cần rà soát lại các khái niệm này để đảm bảo tính bao quát, rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội cũng như những thay đổi của hệ thống pháp luật trong thời gian qua.

Bộ Tài chính cho biết, Luật THTK, CLP hiện hành đã có một số quy định về việc kiểm tra giám sát, xử lý đối tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm, trong đó, có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan đơn vị mình phụ trách. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định tại Luật THTK, CLP cho thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực của của việc xử lý các hành vi vi phạm…

Trong triển khai thi hành Luật, Bộ Tài chính cho biết, Luật THTK, CLP năm 2013 có quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí đồng thời có quy định liên quan đến khen thưởng đối với những người phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các quy định này là chưa đủ để khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về các vụ việc gây lãng phí.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua, việc thực hiện các quy định về khen thưởng đối với người phát hiện lãng phí còn hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp được khen thưởng về công tác THTK, CLP. Do đó, cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách bảo vệ, khen thưởng những người phát hiện và cung cấp thông tin lãng phí để tạo động lực khuyến khích mọi người dân tham gia…

Góp phần tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế

Với một số hạn chế như trên, cần thiết phải sửa Luật này nhằm xây dựng khung khổ pháp lý về THTK, CLP rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của Đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác THTK, CLP, thực sự tham gia có trách nhiệm vào công tác này. Từ đó, phát huy hiệu lực và hiệu quả công tác THTK, CLP, góp phần tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Thực hiện sửa đổi Luật sẽ bám sát quan điểm về việc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm đã được xác định trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Bên cạnh đó, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định tại Luật THTK, CLP còn phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất; Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, vướng mắc; Luật hóa một số quy định tại các văn bản dưới luật đã ổn định, làm cơ sở để củng cố và tiếp tục phát huy những kết quả từ việc thực hành tiết kiệm trong những năm qua.

Tại Tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 5 nhóm chính sách thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật THTK, CLP. Chính sách này nhằm xác định rõ mối quan hệ giữa Luật THTK, CLP và các luật chuyên ngành trong các lĩnh vực có liên quan trên cơ sở đó làm rõ nội dung, vấn đề nào sẽ được quy định tại Luật THTK, CLP.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về khái niệm “tiết kiệm”, “lãng phí” làm cơ sở định hướng xây dựng các quy định có liên quan tại Luật. Chính sách này nhằm xác định đúng bản chất và nội hàm của các khái niệm“tiết kiệm” và “lãng phí”, từ đó có cơ sở thiết kế xây dựng các biện pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí cho phù hợp.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định để tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân THTK, CLP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc biệt là người lao động tham gia một cách có trách nhiệm vào việc THTK, CLP và cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Thứ tư, hoàn thiện các quy định về xử lý đối tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm về THTK, CLP, trong đó tập trung về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và bổ sung quy định các trường hợp miễn trừ việc xử lý đối với cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương.

Thứ năm, hoàn thiện các quy định về xây dựng Chương trình THTK, CLP và báo cáo kết quả THTK, CLP. Chính sách này sẽ góp phần nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Chương trình THTK, CLP; Xác định thời điểm báo cáo, nội dung báo cáo Quốc hội kết quả THTK, CLP cho phù hợp để việc chỉ đạo của Quốc hội đối với công tác này đảm bảo tính kịp thời.