Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Nêu ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách.
Đại biểu cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, góp phần thực hiện hiệu quả công tác này.
Đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã làm tương đối tốt nội dung công việc này.
Tuy nhiên, đại biểu này kiến nghị Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.
Cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả thực hành thiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn thách thức nhưng với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhất là trong đầu tư công, phân bổ giải ngân, thanh quyết toán vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công. Nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở người dân, doanh nghiệp và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của Đất nước.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy tình trạng lãng phí đất đai rất lớn. Đó là tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý. Cùng với đó là lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, trong thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm tra và chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ cũng phải bổ sung, đánh giá cụ thể và rõ hơn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm rõ những hạn chế, tồn tại cơ bản nguyên nhân và trách nhiệm.