Hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2015
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Sáu, cả nước có 9351 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 63,1 nghìn tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký một doanh nghiệp đạt 6,7 tỷ đồng. So với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 19,6%; số vốn đăng ký tăng 10,9%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 53,6%; số vốn đăng ký tăng 10%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tháng Sáu là 133 nghìn người, tăng 46,9% so với tháng trước.
Trong tháng, cả nước có 1103 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,4% so với tháng trước; có 4935 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 19,9%, bao gồm 1280 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 3655 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký; có 824 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 29,8%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 45406 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 282,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014. Bên cạnh đó, có 10988 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308,8 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 là 591,2 tỷ đồng. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm là 651,4 nghìn người, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm là 4708 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 1676 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,6%); 1287 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 27,3%); 1044 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 22,2%) và 701 công ty cổ phần (chiếm 14,9%).
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 27051 doanh nghiệp, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 8898 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 18153 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, có 9588 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 35,4%); 8917 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33%); 4746 công ty cổ phần (chiếm 17,5%) và 3800 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 14,1%).
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 8507 doanh nghiệp, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhìn chung, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ 3389 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và quý III/2015 ổn định và phát triển hơn so với quý I/2015. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II so với quý trước, có 40,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn; 20,1% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn và 39,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III so với quý II, có 49,4% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 37,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 44,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II năm nay tăng so với quý trước; 19,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,6% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 52% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 11,1% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng quý II năm nay so với quý I, có 37% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng cao hơn; 19,2% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 43,8% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quí III so với quí II khả quan hơn với 45,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 10,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,4% số doanh nghiệp có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu quý II so với quý trước, có 29,3% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 19,5% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 51,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quí III so với quý II, có 40,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,8% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 46,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Về chi phí sản xuất, có 30,9% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm trong quí II/2015 tăng so với quí trước; 9,7% số doanh nghiệp khẳng định chi phí giảm và 59,4% số doanh nghiệp đánh giá chi phí ổn định. Xu hướng quý III so với quí II, có 23,9% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng; 11,3% cho rằng chi phí giảm và 64,8% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.
Về giá bán sản phẩm quý II so với quý trước, có 18,5% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm tăng; 11,3% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 70,2% số doanh nghiệp trả lời giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý III so với quý II, có 20,6% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 8,6% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 70,8% số doanh nghiệp dự báo sẽ ổn định giá bán sản phẩm.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 21,1% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý II tăng so với quý trước; 32,7% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 46,2% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 16% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 33,4% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 50,6% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.
Về tồn kho nguyên vật liệu quý II so với quý I, có 19,7% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 30,6% số doanh nghiệp cho là giảm và 49,7% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý III so với quý II, có 15,3% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 31,7% dự báo lượng tồn kho giảm và 53% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên, vật liệu.