Hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2016
Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng Sáu, cả nước có 9761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 78,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% về số doanh nghiệp và giảm 22,6% về số vốn đăng ký so với tháng trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8 tỷ đồng, giảm 20,6%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 113,2 nghìn người, tăng 8,1%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Sáu tăng 4,4%; số vốn đăng ký tăng 22,2%.
Trong tháng, cả nước có 1903 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 13,9% so với tháng trước; có 5365 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (bao gồm: 1621 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký và 3744 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký), tăng 27,6%; có 864 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, giảm 2,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015[8]; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2%. Bên cạnh đó còn có 16125 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 774,7 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1202,5 nghìn tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua (6 tháng đầu năm 2015 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014). Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng là 5507 doanh nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9% so với năm 2014), trong đó có 5129 doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,1% và tăng 16,9%. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động có 2210 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 40,1%); 1656 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 30,1%); 913 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 16,6%); 727 công ty cổ phần (chiếm 13,2%) và 01 công ty hợp danh.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 31119 doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 12203 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 37,1% và 18916 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 4,2%. Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có đăng ký, có 4518 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 37,1%); 4301 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 35,2%); 2129 công ty cổ phần (chiếm 17,4%) và 1255 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 10,3%). Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế hoặc không đăng ký, có 7716 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 40,8%); 5995 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 31,7%); 3421 công ty cổ phần (chiếm 18,1%) và 1784 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,4%).
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2016 cho thấy: Có 41,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay khả quan hơn quý trước; 18,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý III so với quý II năm nay, có 47,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 13,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 39,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 45,3% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý II năm nay tăng so với quý trước; 18,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 36,1% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Về xu hướng quý III so với quý II, có 49,5% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 12,2% số doanh nghiệp dự báo giảm và 38,3% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 39,3% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng quý II năm nay cao hơn quý trước; 18,2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giảm và 42,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý III so với quý II tiếp tục khả quan với 44,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng cao hơn; 12,0% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II năm nay so với quý trước, có 30,0% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 19,0% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 51,0% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 38,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 49,7% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.
Về chi phí sản xuất, có 23,1% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II năm nay tăng so với quý trước; 9,7% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 67,2% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng trong quý III/2016, có 17,0% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý II; 10,5% doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 72,5% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.
Về giá bán sản phẩm, quý II năm nay so với quý trước, có 16,0% số doanh nghiệp cho biết có giá bán sản phẩm tăng; 10,9% số doanh nghiệp có giá bán thấp hơn và 73,1% số doanh nghiệp có giá bán sản phẩm ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm quý III so với quý II, có 15,1% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 9,2% số doanh nghiệp dự báo giá bán sẽ thấp hơn và 75,7% số doanh nghiệp dự báo giá bán sản phẩm sẽ ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 19,1% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý II năm nay tăng so với quý trước; 31,8% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 49,1% số doanh nghiệp giữ ổn định. Xu hướng quý III so với quý II, có 14,7% số doanh nghiệp dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 29,7% số doanh nghiệp cho rằng lượng hàng tồn kho sẽ giảm và 55,6% số doanh nghiệp dự báo sẽ giữ ổn định.
Về tồn kho nguyên vật liệu, quý II/2016 so với quý trước, có 17,1% số doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 30,2% số doanh nghiệp cho là giảm và 52,7% số doanh nghiệp trả lời giữ nguyên. Dự kiến quý III so với quý II, có 14,2% số doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 28,1% doanh nghiệp dự báo lượng tồn kho giảm và 57,7% số doanh nghiệp cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu.
Về sử dụng lao động, quý II năm nay so với quý trước, có 18,3% số doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng; 12,8% số doanh nghiệp khẳng định giảm và 68,9% số doanh nghiệp cho biết giữ ổn định. Dự kiến quý III so với quý II, có 18,2% số doanh nghiệp dự báo quy mô lao động tăng; 8,0% số doanh nghiệp dự báo giảm và 73,8% số doanh nghiệp ổn định quy mô lao động.
Xu hướng chung trong 6 tháng cuối năm 2016, phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh lạc quan hơn 6 tháng đầu năm, trong đó 55,4% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 9,3% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất giảm và 35,3% số doanh nghiệp vẫn ổn định. Về số đơn đặt hàng, có 48,5% số doanh nghiệp dự kiến số đơn đặt hàng tăng; 9,5% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 42,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định; số đơn đặt hàng xuất khẩu dự báo tương ứng là 42,1%; 9,4% và 48,5%. Về quy mô lao động, có 26,5% số doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng quy mô lao động; 7,0% số doanh nghiệp cho rằng sẽ giảm và 66,5% số doanh nghiệp không có biến động quy mô lao động.