Hoạt động của hệ thống ngân hàng: Gam màu sáng chiếm chủ đạo
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh trong 5 năm qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tái cơ cấu ngân hàng?
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên: Có thể nói nếu nhớ lại ngày này vào năm 2012 – 2013 cho đến ngày hôm nay thì bức tranh chung hệ thống TCTD Việt Nam đã sáng. Và chúng ta có thể tin tưởng và khẳng định gam màu sáng này chiếm chủ đạo trong bức tranh tái cơ cấu nói riêng, hệ thống NH Việt Nam nói chung. Tất nhiên là chưa thể đạt được hoàn toàn như mong muốn.
Hay nói ví von, đến thời điểm này, dù không có đèn thì chúng ta vẫn đọc sách được. Có rất nhiều tín hiệu tốt trong hoạt động của hệ thống NH. Còn tất nhiên trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường cũng có rủi ro trong nhận định thị trường, mà đội ngũ những nhà quản trị tại TCTD đưa ra định hướng sai thì họ phải bị trả giá. Đấy là câu chuyện của tương lai và chúng ta không thể nói trước được.
Về điều hành chính sách tiền tệ?
Trong hai năm trở lại đây, những thành tựu của ngành NH nói chung và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng thể hiện rõ thông qua việc các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá khá tích cực đối với hệ thống các NH. Trước hết, có thể thấy, sự phối hợp của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa góp phần giữ ổn định lạm phát.
Đây là thành công rất lớn để đảm bảo số đông 55 triệu người lao động Việt Nam có đời sống ổn định và ít bị ảnh hưởng nhất, khi mà giá cả thị trường thay đổi. Thứ hai, chỉ số an toàn của các TCTD đã nâng cao. Đây là yếu tố quan trọng góp phần chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 11/2017 đến nay) đã hạ thêm 0,5% lãi suất cho vay, cho thấy đóng góp của hệ thống NH cho nền kinh tế là tương đối lớn…
Theo ông, Nghị quyết số 42 có tác động thế nào đối với NH và nền kinh tế?
Phải nói rằng, đây là lần đầu tiên một Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu được ban hành. Mục tiêu lớn nhất mà Nghị quyết 42 đặt ra là tạo sự bình đẳng giữa người đi vay và cho vay. Và cả hai đều phải nâng cao trách nhiệm của mình trước hệ thống pháp luật và nền kinh tế. Vì sao lại phải đặt ra điều này?
Bởi xuất phát điểm kinh tế Việt Nam là nền kinh tế XHCN nên chúng ta từng có cách nhìn theo hướng TCTD cho vay là "mang tiền của Chính phủ cho bản làng vay đủ", cho nên vay vô điều kiện, có nhu cầu là đến vay, nhưng khả năng trả nợ thì không hề nghĩ đến.
Nhưng bây giờ, khi xây dựng mô hình phát triển kinh tế mới thì phải định hướng lại cho xã hội, nền kinh tế đối với vấn đề này. Đó là phải xác định khi đi vay tiền thì người đi vay ký kết hợp đồng dân sự về kinh tế cho nên phải đảm bảo tất cả các cam kết đó. Và Nhà nước giữ vai trò trọng tài để đảm bảo hai bên tham gia cùng có lợi chứ không nghiêng về một bên như thời kỳ trước đây. Chính vì như vậy, những người đi vay có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình.
Chúng ta thấy, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đã có nhiều vụ thu giữ tài sản đảm bảo với giá trị rất lớn. Đầu tiên là VAMC thu giữ Toà nhà cao ốc SaigonOne Tower, VPBank thu giữ toà nhà ở Điện Biên Phủ, mới đây nhất khách sạn Bạch Dương ở Đà Lạt cũng bị NH thu giữ… Chắc có lẽ từ trước đến nay không ai nghĩ một tài sản lớn như vậy bị thu giữ. Nhưng việc thu giữ đấy để đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, cho hệ thống TCTD mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người bị thu giữ tài sản.
Đến thời điểm này, nếu nói Nghị quyết 42 là liều thuốc chữa bách bệnh cho NH thì không phải, nhưng nó đã giúp cho chúng ta định hình lại trong hoạt động kinh tế liên quan đến lĩnh vực NH. Đây là điểm mới và có ý nghĩa lớn đối với hoạt động NH.
Tất nhiên, với một Nghị quyết mới chỉ đi vào cuộc sống được 10 tháng thì sẽ còn có những khó khăn. Nhưng tôi hy vọng trong tháng 7 này, NHNN sẽ sơ kết 1 năm để làm sao đảm bảo trong vòng 5 năm với số lượng 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu ở thời điểm NHNN báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 sẽ được xử lý triệt để.
Xin cảm ơn ông!