Hoạt động đầu tư 10 tháng năm 2016
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong tháng đạt khá hơn những tháng đầu năm. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án theo tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười ước tính đạt 24.627 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn trung ương 5.985 tỷ đồng, tăng 6,1%; vốn địa phương 18.642 tỷ đồng, tăng 17%. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 204,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch năm và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% kế hoạch năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 15,6 nghìn tỷ đồng, bằng 86,9% và tăng 16,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 5.211 tỷ đồng, bằng 73,8% và tăng 9,7%; Bộ Y tế2.206 tỷ đồng, bằng 71% và tăng 17,2%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 2.187 tỷ đồng, bằng 67,9% và tăng37,7%; Bộ Xây dựng 740 tỷ đồng, bằng 79,8% và giảm 46,9%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 575 tỷ đồng, bằng 64,2% và tăng 5,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 450 tỷ đồng, bằng 66,4% và tăng 0,2%; Bộ Công Thương 384 tỷ đồng, bằng 82,7% và tăng 15,3%; Bộ Khoa học và Công nghệ 234 tỷ đồng, bằng 80,7% và giảm 13%; Bộ Thông tin và Truyền thông 102 tỷ đồng, bằng 75,2% và giảm 29,8%.
Vốn địa phương quản lý đạt 156,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch năm và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 110,2 nghìn tỷ đồng, bằng 75,8% và tăng16,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4% và tăng 7,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, bằng 110% và giảm 0,1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% kế hoạch năm và tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh13,4 nghìn tỷ đồng, bằng 75,8% và tăng 1,5%; Bình Dương 4.838 tỷ đồng, bằng 75,2% và tăng 31,8%;Nghệ An 4.572 tỷ đồng, bằng 79,1% và tăng 14,2%; Quảng Ninh 4.548 tỷ đồng, bằng 71,1% và tăng 13,9%; Vĩnh Phúc 4.182 tỷ đồng, bằng 79,2% và tăng 7,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3.743 tỷ đồng, bằng 61,1% và tăng 10,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2016 thu hút 2.061 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 12.265,3 triệu USD, tăng 24,4% về số dự án và giảm 1,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, có 967 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5.348,1 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 10 tháng năm nay đạt 17.613,4 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 10 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 8.389,4 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 999,3 triệu USD, chiếm 8,1%; các ngành còn lại đạt 2.876,6 triệu USD, chiếm 23,5%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng năm nay đạt 12.848,1 triệu USD, chiếm 72,9% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 982,6 triệu USD, chiếm 5,6%; các ngành còn lại đạt 3.782,7 triệu USD, chiếm 21,5%.
Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2.443,6 triệu USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 1.122 triệu USD, chiếm 9,1%; Bình Dương 1.098 triệu USD, chiếm 9%; Đồng Nai 995,5 triệu USD, chiếm 8,1%; thành phố Hồ Chí Minh 792,5 triệu USD, chiếm 6,5%; Bắc Giang 622 triệu USD, chiếm 5,1%; Hà Nam 604 triệu USD, chiếm 4,9%.
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam 10 tháng năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 4.668 triệu USD, chiếm 38,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Xin-ga-po 1.269,7 triệu USD, chiếm 10,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 959,7 triệu USD, chiếm 7,8%; Trung Quốc 898,9 triệu USD, chiếm 7,3%; Đài Loan 824,1 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 727,6 triệu USD, chiếm 5,9%.