Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước chưa đạt kỳ vọng

PV.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài thời gian qua chưa có nhiều chuyển biến tích cực và chưa đạt kỳ vọng đầu tư. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan như: Năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Báo cáo mới đây của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính về hoạt động của các dự án đầu tư ra nước ngoài, tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện nay là 12,2 tỷ USD.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 3 tập đoàn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất. Trong đó, riêng năm 2019, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài số tiền là 273 triệu USD thì phần lớn thuộc về 3 tập đoàn này. 

Lũy kế đến ngày 31/12/2019, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện các doanh nghiệp là 6,1 tỷ USD (bằng 50,47% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký); số còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài là hơn 6 tỷ USD. Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PVN với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3,12 tỷ USD (chiếm 51%), tiếp đó là Viettel đứng thứ hai, VRG đứng thứ ba...

Tính đến hết ngày 31/12/2019, có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước có dự án đầu tư tại nước ngoài phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu, tổng doanh thu năm 2019 của các dự án tại nước ngoài là 7,18 tỷ USD. Trong đó, phát sinh doanh thu chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, viễn thông, lĩnh vực trồng và chế biến cao su.