Doanh nghiệp Việt mạnh tay đầu tư ra nước ngoài

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, công ty CP lớn trong nước như: Vingroup, Vietjet, Thaco, FPT, T&T, Vinamilk, TH True Milk... đầu tư ra nước ngoài, sang cả các nước phát triển nhằm mở rộng thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài năm 2019. Trong năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh) đạt 528,78 triệu USD, tăng 10,7% so với năm 2018. Cụ thể, có 172 dự án đầu tư sang 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong 15 lĩnh vực. 

Năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt 528,78 triệu USD (Ảnh: Internet) 
Năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt 528,78 triệu USD (Ảnh: Internet) 
 

Địa bàn đầu tư đã có sự đa dạng hơn, hướng đến các đối tác phát triển. Các dự án tập trung tại một số địa bàn như Australia, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản... Đầu tư tại Lào, Campuchia có tăng nhẹ nhưng vẫn trong xu hướng chững lại do chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh của nước sở tại không thuận lợi. Trong năm 2019, cũng xuất hiện thêm một số địa bàn mới như: Bhutan, Rumani, Ý, Ai Cập, Áo.

Đáng chú ý, năm 2019, có tới 100% số lượng các dự án mới đầu tư ra nước ngoài do các doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, công ty cổ phần, trong đó xu hướng cá nhân đầu tư ra nước ngoài gia tăng.

Theo Bộ KH&ĐT, ngày càng có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, công ty CP lớn trong nước như: Vingroup, Vietjet, Thaco, FPT, T&T, Vinamilk, TH True Milk... đầu tư ra nước ngoài, sang cả các nước phát triển nhằm mở rộng thị trường, khẳng định quy mô và thương hiệu của mình ra thế giới. Năm 2019 không có dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. 

Tuy vậy, Bộ KH&ĐT cho biết cũng xuất hiện một số rủi ro khi đầu tư vào một địa bàn đang có xung đột quân sự hoặc một số thiên đường thuế như BVI, Cayman Islands, Panama... Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định các điều kiện cụ thể để hạn chế, từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các địa bàn này.

Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại một số địa bàn và lĩnh vực đã xuất hiện một số rủi ro về mặt pháp lý, có nguy cơ dẫn đến các vụ kiện, tranh chấp quốc tế. Cụ thể là một số nước châu Phi như Cameroon, Tanzania... với các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông... Vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng cần có giải pháp để đảm bảo an toàn cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại các địa bàn và lĩnh vực này.