Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng năm 2020 đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam vẫn khá sôi động, với 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 218,4 triệu USD; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 111,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng đạt 330,2 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 28%; Lào 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Mi-an-ma 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%.

Số liệu cụ thể cho thấy,  ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 39,6 triệu USD, chiếm 12%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.

Thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân đang có xu hướng tăng dần. Trong đó, đến nay có 5 doanh nghiệp (DN) đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần Golf Long Thành. Trái ngược với khối tư nhân, số lượng dự án quy mô vốn lớn trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, viễn thông... của DNNN hoặc có vốn nhà nước giảm mạnh trong vài năm gần đây. Thậm chí năm 2019, không có dự án đầu tư ra nước ngoài nào của khối DNNN.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chính các nhà đầu tư Việt Nam đã từng phải đối mặt. Theo ghi nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xuất hiện một số rủi ro khi đầu tư vào một số địa bàn đang có xung đột hoặc nguy cơ xung đột quân sự, chế độ chính trị không ổn định như Venezuela, Iran, Ukraine... Đồng thời, một số quốc gia có rủi ro về pháp lý như Cameroon, Tanzania, Panama... Ngoài ra, gần đây tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu cũng dự báo sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các quốc gia sở tại.

Trong bối cảnh đó, để tăng cường quản lý, giám sát và nâng cao hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của DN, được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng định hướng đầu tư ra nước ngoài đến năm 2025, báo cáo Thủ tướng trong quý IV/2020. Trong đó, lưu ý rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại DN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, quy định rõ các điều kiện được đầu tư ra ngoài DN và đầu tư ra nước ngoài; hồ sơ, quy trình, thủ tục quyết định đầu tư ra ngoài DN và đầu tư ra nước ngoài của DNNN.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng thương mại bảo đảm đầu tư có hiệu quả, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động của các chi nhánh, ngân hàng con ở nước ngoài. Đồng thời, rà soát tình hình vay và cho vay để đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm thủ tục đúng quy định về cơ chế cho vay nói chung và cơ chế cho vay bằng ngoại tệ nói riêng...

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại các tập đoàn, tổng công ty, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề vượt thẩm quyền, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty...

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài còn rất khiêm tốn, thấp hơn 10% GDP cả nước. Tương tự, lợi nhuận chuyển về nước cũng không đóng góp đáng kể vào kinh tế đất nước. Tới đây, để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài thu lợi nhuận, cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để DN, đặc biệt là DN tư nhân, mạnh dạn đầu tư. Trong đó, mở rộng nhiều hơn nữa lĩnh vực mà DN có thể được đầu tư như thương mại, dịch vụ, bất động sản, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng. Đồng thời, có chiến lược cụ thể về đầu tư ra nước ngoài, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.

Trong 8 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 28%; Lào 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Mi-an-ma 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%.