Đầu tư ra nước ngoài: Nóng vội dễ "sa lầy"
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không hề "béo bở" như nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, khi không ít dự án bị chậm tiến độ, vướng tranh chấp, thậm chí không có khả năng thực hiện.
Về kết quả đầu tư ra nước ngoài, mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết, theo báo cáo của các nhà đầu tư, lợi nhuận và vốn chuyển về nước luỹ kế đến nay khoảng 3 tỷ USD, lợi nhuận giữ lại tái đầu tư khoảng 363,4 triệu USD.
Dự án khó thành vì vướng víu đủ chuyện
Trong đó, đến hết năm 2019 có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 13,82 tỷ USD, vốn thực hiện luỹ kế khoảng 6,7 tỷ USD.
Dự án khai thác muối mỏ kali hơn 500 triệu USD "đắp chiếu" tại Lào (Ảnh: TL) |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 16/12/2019 về tình hình đầu tư ra nước ngoài của DNNN và DN có vốn nhà nước, đến hết năm 2018 có 116 dự án của 20 DNNN và DN có vốn nhà nước chi phối với tổng vốn đăng ký khoảng 12 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện luỹ kế khoảng 5,8 tỷ USD.
Trong năm 2018, doanh thu của các dự án đã có báo cáo là 4.252,78 triệu USD, giảm 4% so với năm 2017. Trong đó, 49 dự án có lợi nhuận, 37 dự án lỗ. Số lợi nhuận được chia của các nhà đầu tư Việt Nam là 186,59 triệu USD, giảm 9,99% so với năm 2017. Có 49 dự án lỗ luỹ kế với số lỗ lên đến 1.156 triệu USD, nhiều dự án chưa có báo cáo doanh thu và lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đang triển khai 27 dự án đầu tư ở nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 7,1 tỷ USD, nhưng chỉ 11 dự án triển khai đúng tiến độ; số còn lại đang bị chậm tiến độ, gặp vướng mắc, đặc biệt có một số dự án không có khả năng thực hiện.
Viettel đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Pháp, Mỹ, Nga; tổng vốn đăng ký của các dự án là 2,99 tỷ USD. Tuy nhiên, do tình hình chính trị và luật pháp tại một số nước châu Phi không ổn định đã ảnh hưởng và gây khó khăn cho hoạt động của Viettel tại một số địa bàn như Cameroon, Tanzania, Mozambique...
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào có tổng vốn đầu tư lên tới 522,466 triệu USD. Theo báo cáo của nhà đầu tư, vốn thực hiện đến nay đạt khoảng 81,06 triệu USD. Do giá sản phẩm kali trên thị trường thế giới giảm sâu kéo dài, dự án không hiệu quả như dự kiến ban đầu.
Trong năm 2019, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với dự án này. Tuy nhiên, do dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư tại Lào nên thực hiện theo pháp luật Lào, dự án đang có tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà đầu tư và việc tìm đối tác để chuyển nhượng dự án đang gặp khó khăn nên việc xử lý các vấn đề liên quan đến dự án rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Một số DN tư nhân cũng đang bị "sa lầy" trong đầu tư ra nước ngoài. Đơn cử như Công ty cổ phần Golf Long Thành đang triển khai 2 dự án tại Lào (Dự án sân Golf và Khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn, nay đổi tên thành dự án phát triển đặc khu kinh tế Long Thành - Vientiane và dự án tìm kiếm thăm dò khoáng sản vàng tại Attapeu). Tổng vốn đăng ký của 2 dự án là 1,1 tỷ USD; vốn đã chuyển ra nước ngoài khoảng 102,9 triệu USD.
Riêng với dự án phát triển đặc khu kinh tế Long Thành - Vientiane, vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã chuyển ra nước ngoài 96 triệu USD. Phần sân golf đã đi vào hoạt động, có doanh thu nhưng chưa có lợi nhuận. Khu vực còn lại, nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tồn tại từ năm 2012 và chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm khiến nhà đầu tư khó lên phương án và kế hoạch phát triển các khu vực còn lại của dự án.
Tăng cường giám sát hiệu quả đầu tư
Chỉ ra những bất cập trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam Việt Nam, nhận định nhiều DN Việt đầu tư ra nước ngoài theo kiểu phong trào. Khi đầu tư chỉ nghĩ đây chính là vùng đất "màu mỡ", mà không tính đến hiệu quả đầu tư lâu dài dưới tác động của giá cả thị trường.
Nghiên cứu của Oxfam cho thấy, một số DN Việt Nam dường như tỏ vẻ nôn nóng, thiếu kế hoạch đầu tư và các nghiên cứu về tính khả thi, nhất là ở giai đoạn chuẩn bị và phê duyệt dự án.
Đơn cử, tại Campuchia, các DN Việt Nam thường không làm việc với chính quyền địa phương, tỉnh mà làm việc trực tiếp với chính quyền trung ương. Còn ở Lào, một số thỏa thuận về đất đai được ký kết tại cấp tỉnh, huyện nhưng hạn chế phối hợp với chính quyền trung ương.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng định hướng đầu tư ra nước ngoài đến năm 2025, báo cáo Thủ tướng trong quý IV/2020. Trong đó, lưu ý rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư kinh doanh tại DN và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, quy định rõ các điều kiện được đầu tư ra ngoài DN và đầu tư ra nước ngoài; hồ sơ, quy trình, thủ tục quyết định đầu tư ra ngoài DN và đầu tư ra nước ngoài của DNNN.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT đánh giá tình hình đầu tư ra nước ngoài của các ngân hàng thương mại bảo đảm đầu tư có hiệu quả, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động của các chi nhánh, ngân hàng con ở nước ngoài. Đồng thời, rà soát tình hình vay và cho vay để đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm thủ tục đúng quy định về cơ chế cho vay nói chung và cơ chế cho vay bằng ngoại tệ nói riêng.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan rà soát đề xuất danh mục một số địa bàn nhạy cảm, rủi ro trong hợp tác đầu tư thương mại để cảnh báo, lưu ý DN, nhà đầu tư Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại các tập đoàn, tổng công ty, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề vượt thẩm quyền, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty.